Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn - Một tượng đài âm nhạc

Ngày 7-10, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ đã trút hơi thở cuối cùng rời xa cõi tạm. Ông đã để lại một gia tài nghệ thuật khổng lồ cho hậu thế.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn - Một tượng đài âm nhạc

Ngày 7-10, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ đã trút hơi thở cuối cùng rời xa cõi tạm. Ông đã để lại một gia tài nghệ thuật khổng lồ cho hậu thế.

Người khắc họa chiến tranh bằng âm điệu

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là lớp đầu tiên của các nhạc sĩ cách mạng, chỉ sau các nghệ sĩ tiền chiến một chút thôi. Ông thuộc thế hệ những nghệ sĩ trưởng thành trong Cách mạng Tháng Tám. Ông bước vào đời là bước vào cuộc cách mạng lớn của dân tộc và làm nghệ thuật cũng chính là để phục vụ cuộc cách mạng giải phóng con người. Đến với nghệ thuật, Nguyễn Đức Toàn theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng rồi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông gia nhập các đoàn biểu tình đi cướp trại bảo an binh, đi mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn, và cùng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận lập ra dàn nhạc nhỏ, tiền thân của Đoàn kịch Sao Vàng. Trong khí thế sục sôi của đất nước, dường như sự trầm tĩnh của một người làm hội họa không đủ hấp dẫn người thanh niên tuổi đôi mươi, Nguyễn Đức Toàn chuyển sang sáng tác nhạc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được biết đến nhiều qua bài hát nổi tiếng Quê em (tuy là bài hát kháng chiến, nhưng Đài Pháp Á trong vùng địch tạm bị chiếm vẫn phát sóng qua song ca của Thái Thanh - Thái Hằng). 

Trưởng thành và gắn bó lâu dài với môi trường quân đội, trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có một phần rất lớn những tác phẩm hay viết về người lính, về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong các ca khúc của nhạc sĩ, hình ảnh người lính hiện ra thật gần gũi, chân thực, giống như một cuốn nhật ký về chiến tranh được ghi chép bằng âm thanh. Như bài Đào công sự lại vô cùng chân thực mà chỉ những người trực tiếp được chứng kiến mới có thể hình dung được khung cảnh ấy: “Ta lại đào công sự cho trận chiến đấu ngày mai/Nào tay cuốc (ấy) tay mai ta đào mau (ớ dô hò dô, dô ta)/Tranh thủ lúc trời chưa sáng ta đào bằng xong…”. Cùng đó, hàng loạt các ca khúc về những người anh hùng của dân tộc như chị Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi… cũng đã được nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn xây dựng những tượng đài âm nhạc rất thành công. Chính chuỗi ca khúc được viết bằng cả trái tim: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Noi gương anh Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi… đã khiến công chúng yêu mến gọi ông là là “nhạc sĩ của những anh hùng liệt sĩ”…

Đức Toàn cũng thể hiện rõ sự nhạy cảm của tác giả trước những thay đổi của thời cuộc. Khi đất nước hòa bình, ngôn ngữ âm nhạc của ông cũng chuyển rất nhanh, hòa  cùng không khí chung của cuộc sống. Ông ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những bài nhạc trữ tình như Từ ngày hôm nay, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng...

Nghiêm cẩn trong lao động nghệ thuật

Có thể nói nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là một người lao động nghệ thuật nghiêm túc, chăm chỉ nhưng cũng hết mực tài hoa. Ông là người của thế hệ trước, nơi ông là sự gói ghém tất cả những gì là tinh hoa của người Hà Nội - mảnh đất ông sinh ra và lớn lên, tác phong nề nếp nghiêm khắc của một sĩ quan quân đội, sự kỹ càng của một nhà nho, một kẻ sĩ đất Thăng Long… Và tất cả những tinh hoa ấy đều được thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật của ông. Từ hội họa đến âm nhạc đều được ông nghiên cứu tỉ mỉ, say mê theo đuổi và trong lĩnh vực nào ông cũng đều để lại những thành tựu đáng nể, chiếm trọn cảm tình của công chúng bởi những cảm xúc chân thực giản dị.

 Những năm tháng theo học âm nhạc ở một đất nước có nền âm nhạc phát triển bậc nhất thế giới đã trang bị cho nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn một vốn liếng kiến thức toàn diện. Ông miệt mài học hỏi và bản năng nghệ sĩ đã giúp ông sáng tạo ra nhiều tác phẩm khí nhạc được nhiều người biết đến, như hợp xướng 4 chương Giải phóng viết năm 1970, tổ khúc giao hưởng 3 chương Tổ quốc viết năm 1971. Cùng đó, ca khúc Chiều trên bến cảng - năm 1978 của ông cũng có thể được coi là một trong những tác phẩm mở ra một phong cách nhạc nhẹ trong âm nhạc Việt Nam cuối những năm 1970. Chưa dừng lại ở đó, ông còn sở hữu những tác phẩm mà sức lan tỏa của nó mạnh tới mức mà ca từ của nó đã trở thành câu nói cửa miệng của bao thế hệ như “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay/ Non nước mây trời lòng ta mê say…” - ca khúc Tình em biển cả.

Cách đây không lâu, Hội Âm nhạc có đến thăm ông cùng một số nhạc sĩ tuổi cao ở Hà Nội, khi ấy, ông còn tặng chúng tôi 2 tập thơ về tình yêu với hàng trăm bài chứ không chỉ một vài bài đơn lẻ. Điều ấy minh chứng rõ ràng sức lao động nghệ thuật, tâm hồn nghệ sĩ ở nơi ông.  Với chúng tôi, ông không chỉ là một người anh, nhạc sĩ tài hoa mà còn là tượng đài trong âm nhạc.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh (Chủ tịch hội Âm nhạc Hà Nội) 

Tin cùng chuyên mục