Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật theo quy chuẩn

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật theo quy chuẩn

(SGGPO).- TPHCM luôn năng động và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Nơi đây hội tụ đông đảo giới văn nghệ sĩ tên tuổi, nhiều thế hệ, đã và đang hoạt động sôi nổi ở nhiều loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, nguồn nhân lực khá hùng mạnh này vẫn cần được bồi dưỡng thêm, đào tạo theo đúng quy chuẩn, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao giá trị, chất lượng văn học nghệ thuật trong thời đại mới.

Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có buổi gặp gỡ nhạc sĩ  Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, để lắng nghe những trăn trở, cùng những đề xuất của ông về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật của thành phố.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật theo quy chuẩn ảnh 1

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn

* PHÓNG VIÊN: Ở Hội nghị Thành ủy TPHCM lần 7 (khóa X), nội dung 7 chương trình đột phá được nhiều người quan tâm, bởi đặt ra nhiều vấn đề, sâu sát đến từng lĩnh vực. Ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, ông có nhận định gì về “Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”?

- Nhạc sĩ TRẦN LONG ẨN: Tôi tin tưởng và phấn khởi với những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực VHNT của TPHCM. Tôi rất mừng khi thành phố có được chương trình hành động đột phá này.

Qua Đại hội lần X của Đảng bộ TPHCM và Đại hội XII của Đảng, Thành ủy TPHCM đã đề ra 7 chương trình đột phá trong xây dựng mọi mặt của thành phố. Đây là 7 chương trình hành động, 7 bước đột phá rất cụ thể, có cơ sở khoa học, khả thi. Nhưng để có được thành tựu như mong muốn vẫn còn là một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực cao của chính quyền và nhân dân thành phố. Thành ủy đã xác định rõ, lĩnh vực VHNT có 3 phần: mục tiêu, chỉ tiêu, các biện pháp và giải pháp thực hiện.

Tôi rất tâm đắc với “mục tiêu”: ngoài việc trang bị cho người nghệ sĩ kỹ năng sáng tạo, còn cần bồi dưỡng cho họ nhân cách sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp. Đã là văn nghệ sĩ thì phải có nhận thức chính trị đúng đắn, có nhận thức nghề nghiệp, nhận thức về đạo đức, đi cùng với kỹ năng chuyên môn, năng lực sáng tạo. Mặt khác cũng cần phải trang bị cho họ năng lực thẩm mỹ, tư duy mỹ học, vì chính tư duy mỹ học mới dẫn dắt người sáng tạo đi đúng đường. Khi có năng lực sáng tạo thì phải sáng tạo cho khu vực thị hiếu thẩm mỹ phát triển, chứ không thể vì tiền bạc mà sáng tác cho khu vực thị hiếu thấp kém. Hơn thế nữa, văn nghệ sĩ trước hết phải là công dân tiêu biểu. Người nghệ sĩ phải biết học từ cuộc sống, học từ nhân dân, học từ công chúng, học từ đất nước. Người nghệ sĩ đỉnh cao luôn đòi hỏi một tư chất nghệ sĩ đặc biệt, không thể làng nhàng…

Một khi “mục tiêu” được thực hiện tốt sẽ góp phần bồi dưỡng năng lực cho lực lượng VHNT hoàn thiện và phát triển. 

* Theo ông, công tác đào tạo nguồn nhân lực VHNT hiện nay đã đáp ứng kịp nhu cầu của thời cuộc?

- Thành phố có nguồn đào tạo từ các trường chuyên nghiệp, chuyên ngành, các trung tâm đào tạo, các lò nhạc... Nhìn tổng quan, lực lượng làm văn hóa nghệ thuật hiện nay tạm đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, việc cần làm ngay là bồi đắp cho đội ngũ VHNT trẻ kế thừa. Có một thực tế là đội ngũ kế thừa, những người trẻ được đào tạo ở các trường chuyên ngành ra làm nghề ít, phần lớn lo chạy “sô” kiếm tiền. Không ít người học chính quy, khi ra trường lại thất nghiệp, rốt cuộc đành lao vào các “sô” diễn để ổn định cuộc sống.

Trong công tác đào tạo hiện có 2 phương thức: đào tạo trong nước và đào tạo nước ngoài. Trong nước hiện có đào tạo đơn thuần về lý thuyết và lịch sử nghệ thuật. Ngoài các môn chuyên ngành, tôi đề xuất bổ sung thêm hai bộ môn nữa là nghệ thuật học và mỹ học. Khi được trang bị đầy đủ tri thức về mỹ học nghệ thuật - cái đẹp trong nghệ thuật sẽ giúp nâng cao trình độ thẩm mỹ của người sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn VHNT, qua đó nâng cao trình độ thẩm mỹ của công chúng.

Ở lĩnh vực âm nhạc, hiện nay, trong nội dung giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TPHCM, người thầy đang dạy cho trò những gì người thầy biết, chứ chưa dạy những cái học trò cần. Bộ môn sáng tác đang bị khủng hoảng về nội dung giảng dạy. Dù rằng chúng ta đã có một số thành tựu bước đầu trong giáo dục - đào tạo, nhưng hiện công tác giảng dạy đang giậm chân tại chỗ, có sự sụt giảm, đi xuống về kiến thức chuyên môn. Thực tiễn cũng cho thấy, có người tốt nghiệp ra trường nhưng trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề, của xã hội. Một số người được đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng khi trở về nước, cần vận dụng những kiến thức đã học để sáng tác những tác phẩm truyền thống dân tộc, tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, còn có phương thức đào tạo liên kết với quốc tế khá hiệu quả: mời nghệ sĩ quốc tế đến TPHCM để vừa tham gia biểu diễn vừa truyền dạy nghề, kỹ thuật biểu diễn cho nghệ sĩ trong nước.

* Với thực tiễn còn nhiều khó khăn, trở ngại trong hoạt động và phát triển lĩnh vực VHNT, đào tạo nguồn nhân lực VHNT chất lượng, ông trăn trở và lo lắng điều gì?

- Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM cũng thấy đây là trách nhiệm nặng nề, chúng ta tiếp tục sẽ có ý kiến, tư vấn, tham mưu cho Đảng bộ chính quyền thành phố, nhất là các sở ban ngành để thực hiện được nhiệm vụ này.

Mặt khác, trong phương thức đào tạo - kể cả trong nước và nước ngoài, ngoài biểu diễn, sáng tác cần đào tạo các chuyên gia, những người có chuyên môn sâu về thiết chế văn hóa. Như hiện nay, chúng ta đang rất cần đội ngũ có năng lực, chuyên môn cao về quản lý bảo tàng, quản lý thư viện sách, quản lý các trung tâm văn hóa, các di tích lịch sử…

Về vấn đề chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ rất cần được quan tâm. Phải trang bị nguồn tài chính tạm đủ sống cho nghệ sĩ thì anh em mới gắn bó, chuyên tâm với nghề, tiếp tục có những sáng tạo mới, xây dựng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng phục vụ công chúng. Khi có công chúng thì các đơn vị nghệ thuật mới sáng đèn, rồi tiến thêm một bước là tự nuôi mình. Điều này, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) đã làm được.

Thành phố cũng cần khôi phục lại là một trong những chiếc nôi lớn về đờn ca tài tử, truyền dạy đến nơi đến chốn cho thế hệ tiếp nối.

Ở cấp cơ sở, lâu nay các trung tâm văn hóa quận huyện chưa làm tốt vai trò giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho quần chúng. Cần thiết phải tổ chức, duy trì và phát triển mạnh hoạt động của các CLB, đội nhóm sinh hoạt, mời các chuyên gia về văn học nghệ thuật đến giao lưu với công chúng, tổ chức các cuộc thảo luận về văn hóa nghệ thuật, tích cực khơi dậy và phát triển mạnh mẽ phong trào văn hóa nghệ thuật tại cơ sở, thu hút nhân dân đến với trung tâm bằng những hoạt động giao lưu, biểu diễn, nói chuyện chuyên đề về văn hóa nghệ thuật, có ý nghĩa, tính thẩm mỹ cao.

Có một vấn đề nữa, là cần có một hội đồng thẩm định công minh sáng suốt chọn ra những tài năng trẻ đưa đi đào tạo ở nước ngoài, quan tâm theo dõi từng bước phát triển của những nhân tố tài năng, làm sao để các nghệ sĩ trở về tiếp tục góp sức cho VHNT nước nhà.

* Xin cảm ơn ông!

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục