Sau hơn 40 năm sống ở nước ngoài, đây là lần đầu tiên Vũ Thành An xuất hiện trở lại trước người yêu mến các bài hát của ông.
Kể từ bài Tình khúc thứ nhất được công chúng biết đến vào năm 1965, những bài hát sau này đều được nhạc sĩ Vũ Thành An đánh số thứ tự chứ không đặt tên, đến nay ông có hơn 50 bài hát như thế và ông gọi chung là những Bài không tên.
Tại sao là những bài không tên? Nhạc sĩ trả lời ngắn gọn rằng: “Tại muốn giấu tên người tình!”. Gần như mỗi bài hát của Vũ Thành An đều gắn liền với một bóng hồng cụ thể nhưng ông không muốn kể ra. Theo nhạc sĩ: “Đó là điều riêng tư, đôi khi đem công bố không khéo lại là một điều xúc phạm”.
Nhạc sĩ Vũ Thành An tại Đường sách TPHCM tối 3-8. Ảnh: Phong Quang
Khác với một số nghệ sĩ khi viết hồi ký hay đem khoe chiến tích trong tình ái của mình đã vô tình làm tổn thương những người liên quan đang còn sống. Vũ Thành An thì giấu kỹ từng bóng hồng đi qua cuộc đời ông ngay cả trong các tình khúc và nay là trong hồi ký Chuyện tình không tên. Dù những bóng hồng ấy đến với ông, như ông thừa nhận là chỉ nắm tay hay quá lắm là nụ hôn, theo đạo lý người phương Đông. Với Vũ Thành An, đã yêu nhau thì phải biết giữ gìn cho nhau, dù những mối tình ấy đã trải qua hơn nửa thế kỷ.
Lý do thứ hai để ông không đặt tên bài hát vì khi học luật ở Đại học Luật khoa Sài Gòn, một vị giáo sư dạy ông có nói: “Muốn thành công thì cần phải làm điều gì khác lạ!”.
Khi còn tuổi trẻ, Vũ Thành An cũng muốn nhanh chóng nổi tiếng, gây chú ý cho mọi người bằng cách đặt tên bài hát như thế. Và viết một loạt Bài không tên dễ thành công hơn khi chỉ phổ biến một bài. Người nhạc sĩ đã ngoài 70 khiêm tốn nói, sự thành công của ông là may mắn.
Đọc Chuyện tình không tên của Vũ Thành An với 15 bức tình thư gửi đến những người tình không tên ông từng yêu và vẫn đang yêu, nhiều người đoán ông có 15 bóng hồng trong đời. Có bóng hồng tạo động lực cho ông viết cùng lúc nhiều ca khúc ví như ông kể trong Tình thư thứ ba. Bóng hồng này lớn hơn Vũ Thành An một, hai tuổi và đang học năm thứ 3 Trường Luật khoa Sài Gòn còn nhạc sĩ vừa mới xong tú tài. Nhiều lần nàng nói nhạc sĩ viết một bài hát để ghi dấu mối tình này. Nhạc sĩ chần chừ mãi khiến nàng rơi nước mắt. Một lần trong năm 1965 trên đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn, những giai điệu của Tình khúc thứ nhất đã vang lên trong đầu Vũ Thành An và sau đó được nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đặt lời: “...Tình vui theo gió mây trôi. Ý sầu mưa xuống đời. Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi. Mấy tuổi xa người…”.
Trong những ngày tháng mặn nồng nhất, với sự chủ động, nàng nắm tay chàng trong sân trường và kỷ vật là chiếc pin cài áo màu bạc mà chàng tặng nàng khi sinh nhật, Vũ Thành An tình cờ đọc được bài thơ Em đến thăm anh đêm Ba mươi của Nguyễn Đình Toàn có câu: “Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em” và ông đã liên tưởng đến chiếc pin cài áo tặng nàng nên phổ nhạc bài thơ này.
Sau Nguyễn Đình Toàn viết lời thêm đoạn cuối thành một bài hát hoàn chỉnh được nhiều người biết. Tuy nhiên, chênh lệch về tuổi tác, về gia cảnh và học hành nên gia đình nàng đã ngăn cấm mối tình này. Vũ Thành An trút nỗi buồn tình thành Tình khúc cuối cùng: “Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói. Nói ra nhiều cũng vậy thôi…”. Và oán trách: “Này em hỡi con đường em đi đó. Con đường em theo đó đúng hay sao em?”. 25 năm sau, vào năm 1991, nhạc sĩ suy nghĩ lại về lời oán trách lẽ ra không nên viết và ông đã sửa lời thành Tình khúc cuối cùng trở lại: “Này em hỡi con đường em đi đó. Con đường em theo đó đúng đấy em ơi. Nếu chúng mình có thành đôi lứa. Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau…”.
Có thể nói, Tình thư thứ ba là mối tình sâu đậm nhất của Vũ Thành An, vì có lúc ông không thể yêu được nữa. Nhưng thời gian đã khỏa lấp vì con người ta được sống, được yêu thì còn gì thiêng liêng hơn trong cõi đời này. Đến Tình thư thứ tư với bài Tình khúc thứ hai: “…Đến khi lấy chồng. Chỉ còn mối tình mang theo…” sau gần 50 năm cũng được chính ông sửa lại: “Đến khi lên trời. Chỉ còn khối tình mang theo”. Những Bài không tên hay Chuyện tình không tên thực chất chỉ có một “khối tình” của nhiều mối tình hợp thành. Người nhạc sĩ đã nâng niu, giữ gìn tất cả “khối tình” như mấy câu ông đề ngoài bìa sách: “Ta sống ta yêu, yêu nồng nàng”.
Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Nam Định, cho biết lần này ông về Việt Nam có thể xem như một lần từ giã vì thời gian không còn nhiều với ông. Người biết mình sắp từ giã quê hương và cõi đời, thì có thể tin rằng những gì ông viết trong Chuyện tình không tên như một “khối tình” đã được cân nhắc rất nhiều.