Nhạc trưởng

Nếu Thái Lan cho thấy vai trò của Thonglao đúng với mẫu cầu thủ dẫn dắt trận đấu thì Việt Nam vẫn còn thiếu một nhà kiến thiết tầm cỡ.

Trong sáu tiền vệ mà ông Riedl đã tung ra trong trận gặp New Zealand, hai người mà ông hy vọng có thể giữ được nhịp độ trận đấu và dẫn dắt toàn đội là Minh Phương và Hồng Minh.

Nhạc trưởng ảnh 1

Hồng Minh (11) thi đấu khá hiệu quả ở vai trò tiền vệ phòng ngự trong trận Việt Nam thắng New Zealand 1-0. Ảnh: Hoàng Hùng.

Nếu Minh Phương cả mùa giải V-League 2006 được ông Calisto giải phóng cho việc phải tham gia phòng ngự cùng đội thì ở đội tuyển, có lúc Phương vẫn phải gánh trách nhiệm ấy. Với Hồng Minh, nhân vật được xem là thay vị trí khuyết của Quốc Vượng, cho thấy sự chăm chỉ, cần cù hơn Vượng nhưng khả năng tác động đến toàn đội và làm chủ được trục giữa lại chưa sánh được.

Lối chơi của Hồng Minh cho thấy anh có thể cần cù ngăn sự xâm nhập từ tuyến hai của đối phương tốt và là người phát động tấn công cũng tốt nhưng chưa thể gắn kết và dẫn dắt toàn đội được.

Về mặt này, Minh Phương có vẻ trội hơn trong vai trò mới nhưng cầu thủ này lại hạn chế khi buộc bó vào trung tâm và buộc phải chơi ở vị trí hạt nhân.

Hiếm còn thấy được những cú dốc bóng của Minh Phương nữa khi vai trò mới buộc anh phải mở tầm nhìn rộng hơn và buộc phải ngó ngang nhiều hơn thay vì đưa bóng xuống biên như thường làm.

Chỗ thiếu của ông Riedl trong việc cố tìm một thủ lĩnh đôi lúc đã làm hạn chế những mặt mạnh của cả Minh Phương lẫn Hồng Minh khi buộc bộ đôi này phải ngó chừng lẫn nhau.

Khi Hồng Minh được rút ra để trám vào bằng Tài Em, mọi người có cảm giác tuyến giữa nhịp nhàng hơn. Thực chất thì với một đối thủ sức đối kháng không cao như New Zealand thì không cần phải phí một tiền vệ phòng ngự thòng sâu ở dưới như vai trò chính của Hồng Minh. Và cặp Tài Em- Minh Phương vẫn hoạt động được tịnh tiến với nhau là nhờ chúng ta không bận tậm nhiều trong phòng ngự mà chỉ chú trọng vào tìm thêm bàn thắng trước một đối thủ sớm bị giải mã.

Sức tấn công và cơ hội cứ bỏ qua của các tuyển thủ Việt Nam đã bị xem là phí của một phần do tiền đạo nôn nóng và phần nữa là do chúng ta thiếu một thủ lĩnh thực thụ để nối mạng tất cả lại, ít ra là cũng như Thonglao đã làm ở đội Thái.

Lối chơi đầy chất lửa và ép vào như dồn nén đối thủ tạo nên sự khác biệt về thế trận nhưng chưa hẳn là cách mở khung thành đối phương tốt nhất. Về mặt này thì trước đối tượng như Bahrain, các cầu thủ Thái lại làm tốt hơn bằng việc tự tháo van điều tiết thông qua nhạc trưởng Thonglao. Một chuyên gia bóng đá khi trao đổi với chúng tôi đã phân tích: “Giữa việc nén chặt và ép cho vỡ với việc xả ra cũng là để đối phương nới lỏng ra, thay vì đặc quánh lại ở giữa và chuẩn bị cho miếng đánh mới thì phương án hai đáng sợ hơn rất nhiều. Nói theo ngôn ngữ bóng đá là cho thở để rồi bóp chặt lại “.

Vẫn biết rằng thuốc thử New Zealand khác hẳn với thuốc thử Bahrain, nhưng cái cách để đạt được đến đích của hai đội cùng chiến thắng trong loạt trận đầu và cùng chờ đá “chung kết” ở loạt trận cuối khác nhau.

Tôi không cho là các cầu thủ Thái khôn ngoan hơn trong việc tìm đường đến đích đến bằng những bước lùi nhưng phải thừa nhận rằng các cầu thủ Thái đánh trận có hẳn những chiến lược với bài bản và nó được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh.

Với đội tuyển Việt Nam thì sau cơn bão, chúng ta vẫn đang tìm một người đủ tầm để dẫn dắt nên vẫn phải dựa vào những cái tam giác với chủ định xuống càng sâu bên phần đất đối phương càng tốt.

Chiều nay, trước một đối tượng bị nhận diện là lót đường, các tuyển thủ Việt Nam sẽ có cơ hội để chỉnh lại thước ngắm và bổ sung thêm sự đồng bộ lẫn đồng điệu.

Cũng chiều nay, mọi người có dịp kiểm chứng thêm lối chơi của Thái Lan qua vai trò dẫn dắt của Thonglao.

Trước sự thiếu hụt, có thể Việt Nam vẫn không thể tìm được một nhà dẫn dắt lối chơi thực thụ và phải lấy sức mạnh, lấy sự đồng lòng của một tập thể làm vũ khí. Nó cũng giống với giai đoạn bóng đá Việt Nam có thời kỳ chấp nhận không có Hồng Sơn và phải lấy cặp tiền vệ trụ thay cho một nhạc trưởng giữ lấy trục và điều phối lối chơi.

Một dàn nhạc có nhạc trưởng với một dàn nhạc tất cả những nhạc công đều cố gắng làm tròn và thậm chí là làm hơn vai trò của mình sẽ làm thú vị thêm cho trận “chung kết” được chờ đợi.
Bóng đá Việt Nam chưa tìm ra một nhạc trưởng nên chấp nhận với những khó khăn riêng của mình.
Thái Lan có một nhạc trưởng Thonglao (đã nhận một thẻ vàng).

Biết đâu, chúng ta biến điểm yếu của mình thành chỗ mạnh và cũng biết đâu, điểm mạnh của Thái Lan lại trở thành chỗ yếu và chỗ khuyết. 

Chờ...

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục