“Nhạc trưởng” U80

Lớp học hát ở UBND phường
“Nhạc trưởng” U80

Từng là diễn viên của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, nhiều lần được gặp và biểu diễn phục vụ Bác Hồ, cho đến hôm nay, khi đã bước sang tuổi 78, nghệ sĩ Lê Thị Lệ Chi vẫn tâm niệm sâu sắc một điều: dù tuổi cao, sức yếu vẫn phải làm người sống có ích.

Lớp học hát ở UBND phường

“Việt Nam mến yêu. Ngàn ánh vinh quang. Rạng chiếu sơn hà… Nòi giống Lạc Hồng, nòi giống hiên ngang. Khắp nơi cất cao bóng cờ…”. Cứ khoảng 19 giờ, tại lầu 1 UBND phường Tân Định quận 1 lại vang lên tiếng hát của một dàn đồng ca với đủ các cung bậc, chất giọng: từ giọng rè, khàn, đục cho đến giọng thanh, trong. 19 “ca sĩ”: gồm 7 cụ ông và 12 cụ bà nghiêm chỉnh đứng hát dưới sự điều khiển của một nhạc trưởng tóc đã điểm bạc.

Đến đoạn cao trào, nhạc trưởng lại vung tay đánh nhịp dồn dập, những “ca sĩ” bên dưới hào hứng hát theo. Điều đặc biệt là cứ hát được chừng 2 - 3 lần là ca sĩ lẫn nhạc trưởng đều xin nghỉ, ngồi uống trà, phe phẩy quạt để… thở và lấy sức.

Một bài hát, có khi 2 tuần “ca sĩ” mới thuộc hết lời. Tập 1 chương trình văn nghệ độ chừng 3 - 4 tiết mục, đội phải tốn trung bình 2 - 3 tháng luyện tập miệt mài. Tất cả những điều lạ lùng trên sẽ trở nên dễ hiểu khi người ta biết rằng cả nhạc trưởng và ca sĩ của lớp học hát nói trên đều đã vào hàng U70, U80. Người lớn tuổi nhất đã bước lên hàng U90.

“Nhạc trưởng” U80 ảnh 1

Bác Lệ Chi (đứng) hướng dẫn các cụ trong Hội Cựu chiến binh phường Tân Định tập hát. Ảnh: M.H.

Đó là đội văn nghệ Hội Cựu chiến binh phường Tân Định quận 1, tiền thân là đội văn nghệ khu phố 8.

Linh hồn của đội, từ ngày đầu thành lập khoảng hơn 10 năm trước, chính là “nhạc trưởng” Lệ Chi. Vốn là nghệ sĩ của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương nên từ hồi mới đảm nhận chức tổ trưởng tổ dân phố 125, bác Chi đã nghĩ đến việc gầy dựng phong trào văn nghệ trong tổ, khu phố để hàng xóm láng giềng “gần” nhau hơn.

Cụ Trần Văn Khị, 75 tuổi, tâm đắc nói: “Thiệt tình là lúc đầu cũng lười, nghĩ già rồi mà còn tụ tập hát hò, con cháu nó cười cho. Nhưng rồi thấy bác Chi đã già, gia đình neo đơn mà còn nhiệt tình đến thế thì không ai nỡ phụ lòng. Các ông các bà ở đây có ai biết nốt nhạc gì đâu. Mà chúng tôi già, hay quên, một bài hát học mãi mới thuộc. Biết vậy, bà ấy chịu khó chọn lựa bài hát rồi đi phô tô từng bản, phát tận tay từng người, tìm đĩa nhạc cho chúng tôi tập hát”.

Cứ thế, mỗi tối thứ ba, thứ năm hàng tuần, các cụ lại đến trụ sở UBND phường để “luyện thanh”. Cụ nào nhà gần thì đi bộ, cụ nào nhà xa thì con cháu chở đến hoặc đi xe ôm.

“Đội văn nghệ có trên 20 thành viên nhưng ít khi đông đủ. Bữa nay cụ này bệnh, bữa khác cụ nọ đau lưng. Nhưng tất cả đều rất nhiệt tình. Có cụ còn nói với đội văn nghệ là hễ con cái có gọi điện đến hỏi thì bảo là cụ đi họp, vì các con sợ bố hát hò nhiều sinh bệnh. Có cụ hơn 80 tuổi, đã chuyển nhà đi quận khác rồi mà vẫn lụm cụm lên tập hát. Sợ cụ già yếu, đi đường nguy hiểm nên chúng tôi năn nỉ cụ đừng đến nữa. Vậy mà cụ vẫn không bỏ” - bác Trần Huỳnh Điểu, 65 tuổi - phụ trách đội văn nghệ cho biết.

Từ lúc thành lập cho đến nay, đội văn nghệ nghiệp dư ấy đã giành giải nhất trong hầu hết cuộc thi văn nghệ “Tiếng hát khu phố tôi” do UBND quận 1 tổ chức.

“Em quý nhất là bà tổ trưởng!”

Tranh thủ giờ giải lao giữa buổi tập, bác Minh Ánh, 82 tuổi, “tố cáo” với tôi: “Cháu thấy bà Chi hay cười hay nói thế chứ hoàn cảnh khó khăn lắm. Chồng bà ấy bị liệt đã 20 năm rồi. Một tay bà ấy chăm sóc, thuốc thang. Con gái lớn thì bị tâm thần, hai đứa sau làm công chức nhà nước, chẳng khá giả gì. Vậy mà 10 năm nay, bà ấy vẫn nhiệt tình với công tác tổ dân phố!”.

Về hưu năm 1990, đến năm 1998, bác Chi được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 125. Nằm ở khu vực trung tâm quận 1, hơn 42 hộ dân của tổ 125 không có gia đình nào thuộc diện hộ nghèo.

“Cái khó là mỗi nhà một cách sống, không thích quan hệ với hàng xóm, không ai chịu mở lòng với ai. Làm tổ trưởng, nếu không gắn kết được mọi người với nhau là thất bại”. Nghĩ vậy, bác Chi bắt đầu tìm cách gần gũi, vận động những cụ già tập hát, rồi lập đội văn nghệ.

Chinh phục được lớp già, lớp trẻ cũng dần dần nhìn bà tổ trưởng với ánh mắt thiện cảm hơn. Nhiều cô cậu trước đây hễ bác Chi đến thu tiền quỹ hay vận động bố mẹ họ đi tập văn nghệ là mặt nặng mày nhẹ, thậm chí còn nói thẳng: “Bà là người chỉ biết chạy theo thành tích”. Vậy mà bây giờ họ lại cảm ơn vì “nhờ bác mà mẹ cháu khỏe ra, yêu đời hơn”.

Tiếng lành đồn xa, sau khi lập được đội văn nghệ khu phố, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi rồi đến các cán bộ, viên chức ở UBND phường cũng mời bác Chi về lập đội văn nghệ.

Thường thì mỗi đợt tập chừng 2 - 3 tháng, bác được bồi dưỡng 200.000 đồng, có khi không lấy tiền; còn mỗi cụ “ca sĩ” được lãnh 20.000 đồng, thương “nhạc trưởng” vất vả, các cụ bàn nhau nhường hết tiền bồi dưỡng cho bác Chi nhưng bác kiên quyết từ chối.

Để thắt chặt tình làng nghĩa xóm, bác Chi vận động mọi người đóng góp quỹ tổ để thăm viếng người bị bệnh, giúp đỡ những nhà gặp khó khăn đột xuất. Những năm đầu, bà chỉ vận động mỗi nhà góp 10.000 đồng/năm. Sau tăng lên 20.000, rồi 30.000 đồng/năm.

Để khu phố sạch đẹp, bà vận động mỗi nhà góp 5.000 đồng/tháng, thuê người quét dọn. Buổi sáng, chồng bác lên cơn đau, phải chở đi bệnh viện cấp cứu thì buổi chiều, khi ông đã qua cơn nguy kịch, bà con tổ 125 lại thấy bác Chi sang bàn với mấy anh trong phường lo chuyện làm giấy tạm trú, tạm vắng, giấy khai sinh cho mấy mẹ con người hàng xóm mới dọn về.

Hôm rồi, bác Chi vừa đi chợ về thì được cô Hồng, vợ anh Diện - làm nghề sửa xe ở hẻm 220 đường Hai Bà Trưng kéo vào nhà để khoe một “bí mật”, đó là bài tập làm văn của bé Duyên, con chị, đang học lớp 2.

Đề bài cô giáo ra là: “Hãy viết về một người thân mà em yêu quý”. Em bé viết một cách ngây thơ, trong sáng là: “Người thân mà em yêu mến nhất là bà tổ trưởng. Mỗi khi em chào bà, bà cũng chào em. Bà hiền và rất hay giúp đỡ mọi người. Trông thấy ai, bà cũng vui…”.

Kể đến đây, bác Chi xúc động: “Nhà neo đơn, mỗi lần ông nhà tôi bệnh là hàng xóm sang giúp rất đông: người cõng ông ấy từ lầu xuống, người kêu xe đưa đi viện. Nay đến một đứa trẻ cũng dành cho mình tình cảm như thế thì mình phải cố hết sức để tổ dân phố luôn luôn ấm cúng như một gia đình. Đó mới thật sự là học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác”.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục