
Bài 1: Từ bảo kê đến đòi nợ bằng... mã tấu
Loại trừ các vụ “nhìn nhầm, đánh lầm” thì hầu hết nguyên nhân các vụ thanh toán đẫm máu trong thời gian qua nạn nhân đều biết rất rõ nhưng không dám khai báo với cơ quan chức năng. Thông tin bị bít kín, chưa kể các sát thủ hành động quá nhanh nên lọt khỏi vòng kiểm soát của cơ quan chức năng.
Bảo kê vẫn còn đất sống!

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đang tổ chức tiêu hủy đao, kiếm tự chế. Ảnh: Đ.H.
Trong quá trình thu thập tư liệu cho loạt bài này, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Hầu hết các chủ quán cà phê, bar, vũ trường, quán nhậu… từ quận trung tâm đến ngoại thành đều khăng khăng khẳng định không có ai đến đặt điều kiện bảo kê như lúc trước.
Tuy nhiên, thực tế các cơ sở kinh doanh những ngành nghề nêu trên đều ít nhiều phải chung chi để được yên ổn làm ăn. Có thể nói, bọn bảo kê không từ bỏ một ngành nghề nào, thậm chí những nghề “lượm bạc cắc”như xe ôm hay xích lô.
Bác Bảy V., 56 tuổi, chạy xe ôm trên lề đường gần góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh, cho biết: “Tôi hành nghề nhiều năm nay ở khu vực này. Đậu ở đây không ai “quấy rầy” nhưng đứng đợi khách ở gần cổng Bệnh viện Từ Dũ hay siêu thị là có chuyện ngay. Tụi nó hung dữ lắm!”.
Cũng theo bác Bảy V. thì khu vực này do T. “tha la” - nhà trong một con hẻm trên đường Bùi Thị Xuân bảo kê. Ai muốn hành nghề ở đây phải đóng “lệ phí” 10.000đ/ngày, đó là chưa kể lâu lâu T. “tha la” đi sinh nhật, đám giỗ, đám ma… của ai đó thì có thể thu thêm bất kể lúc nào.
Còn khu vực đường Lê Hồng Phong - nơi có nhiều phòng bán vé của các công ty vận tải hành khách đường dài - thì cánh xe ôm phải chung chi cho N. “chuồng bò”. Chủ các quán bia ở khu vực này thì phải “biết điều” với một nhân vật lúc nào đầu tóc cũng bóng lưỡng, áo tay dài gài măng-sét, nói năng từ tốn có biệt danh là L. “ba ke”.
Để yên ổn kinh doanh, các chủ nhà hàng, quán cà phê, bar, vũ trường... ở khu vực trung tâm thành phố đều thuê mướn bảo vệ tư nhân nhưng lực lượng này thực sự chỉ đứng cho đủ “lễ bộ”. Để “yên tâm”, các chủ kinh doanh phải “ký hợp đồng” với một vài đối tượng cộm cán. Các đối tượng này thường “núp bóng” là nhân viên giữ xe hay quản lý.
Những “ông thần ve chai” nào vào đây giở bài quậy phá sẽ được bảo vệ “dìu” ra khỏi quán “chăm sóc đặc biệt”. Chuyện đánh nhau phía trước các bar, quán nhậu… diễn ra khá phổ biến nhưng dường như chẳng mấy ai quan tâm. Đám sát thủ thì bỏ chạy “mất tăm” còn các nạn nhân thường đến thẳng bệnh viện để “tự giải quyết hậu quả”.
Đòi nợ kiểu giang hồ!
Thực tế, các vụ quỵt tiền do cho mượn hay liên quan đến chung chi cá độ bóng đá, đánh đề, cờ bạc… thường chủ nợ tìm đến các băng nhóm chuyên đòi nợ thuê. Mỗi phi vụ đòi nợ thuê “có giá trần” rất rõ ràng. Dưới 200 triệu đồng thường chi phí khoảng 50%; còn trên 200 triệu đồng thì giá “thương lượng”, khoảng 20% - 40%.

Trinh sát trẻ Đội đặc nhiệm đang còng tay Lê Đình Tuấn, một trong những tên cướp chém người ở phường 13, quận Tân Bình
Theo tìm hiểu, các sát thủ mới nổi còn khá trẻ. Nếu không được anh L.Đ. (đang bán vàng ở chợ An Đông) giới thiệu trước, tôi không thể ngờ gã thanh niên ngồi đối diện trong quán nhậu trên đường Hậu Giang là một sát thủ trẻ chuyên đòi nợ thuê.
Khuôn mặt V.T. hồng hào, tóc cắt ngắn, nói năng chậm rãi, miệng luôn cười và có răng khểnh rất duyên… Tuy nhiên, theo lời kể của anh Đ., V.T. là một sát thủ “máu lạnh” trong hành xử với “con nợ”.
Anh Đ. cho biết: “V.T. thường nhận hợp đồng, đi một mình và hành động rất dứt khoát. Lần đầu gặp “con nợ”, V.T. nói chuyện rất nhẹ nhàng. Hẹn trả thì bao giờ trả, trả bao nhiêu (nếu số nợ nhiều), không ép buộc nhưng làm giấy đàng hoàng. Quá thời hạn thì “xử” liền!”.
Trường hợp của anh N.P.L. (36 tuổi, ngụ quận Bình Tân) mới oan uổng. Do mối quan hệ thân tình, anh N.P.L. đứng ra mượn giúp Hai T. (chủ một doanh nghiệp mua bán thủy sản ở quận 11) số tiền 500 triệu đồng.
Mấy tháng đầu, Hai T. còn trả lãi nhưng đến tháng thứ bảy thì Hai T. “nhảy lầu”. Thế là anh L. “ôm sô”. Sau 2 tháng không thấy trả lãi, chủ nợ “bắn tiếng” với anh L. Anh L. cho biết Hai T. đã bỏ trốn nhưng chủ nợ chỉ biết anh L. mới là người ký giấy mượn tiền.
Đến tháng thứ 3 thì anh L. bị va quẹt xe tại một đoạn đường vắng. Đỡ anh L. lên, gã thanh niên nói nhỏ: “Lần này té xe thôi. Lần sau là đốt xe luôn đó!”. Vậy là vài ngày sau, anh L. phải lật đật đem giấy tờ nhà đi thế chấp ngân hàng để trả món nợ mà mình lỡ mượn giùm!.
Những ngày cuối năm 2008, Công an TPHCM triển khai thực hiện đợt cao điểm phòng chống các loại tội phạm. Các băng nhóm hành xử theo kiểu xã hội đen, các đàn anh cộm cán đang được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, một số sát thủ máu lạnh tuổi mới lớn vẫn hoạt động ngoài tầm kiểm soát… * * * * * Công an TP Hồ Chí Minh đang tập trung lực lượng tham gia đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm và có kế hoạch đấu tranh triệt phá các băng nhóm hành xử theo kiểu xã hội đen. Từ đầu tháng 11-2008 đến đầu tháng 12-2008, chỉ tính riêng PC14 (Công an TPHCM) đã bắt giữ 166 đối tượng phạm tội và 15 băng nhóm với 145 đối tượng. Trong đó, có 7 đối tượng tham gia bắt giữ người trái pháp luật; 1 đối tượng tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép; 103 đối tượng hoạt động cờ bạc và bảo kê sòng bạc; 3 đối tượng tham gia mua bán vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ… |
Bài 2: Tre chưa già, “măng gai” đã mọc!
Trong lúc các đàn anh cộm cán, có “số má” trên chốn giang hồ một thuở đã “tàng hình” và tạm sống “hiền lành” bằng các nghề bình thường thì lớp giang hồ trẻ tuổi lại hoạt động rất rầm rộ. Để kiếm tiền, bọn chúng sẵn sàng không từ bất cứ công việc nào. Từ bảo kê, đòi nợ thuê và thậm chí để “kiếm số” (tên tuổi trên chốn giang hồ), chúng cũng không “run tay” chém luôn các đàn anh cộm cán!
Dựa “số” để lấy “số”!

Nguyễn Ngọc Huy, một trong những tên cướp chém người ở phường 13, quận Tân Bình đang bị dẫn giải về cơ quan công an
Ba “G” - một tay “anh chị” một thời ở quận 6 - đã “gác kiếm” giúp vợ mua bán vật liệu xây dựng. Giá cả không cao lại sẵn có tiếng trong chốn giang hồ nên “đàn em” ủng hộ khá đông. Cuộc sống như vậy tưởng là tạm ổn, ấy vậy mà Ba “G” vẫn bị quấy rầy.
Anh Ba “G” trầm ngâm kể: “Buổi sáng cách đây mấy tháng, tôi đang ngồi ăn bánh mì bò kho tại một quán cà phê ở khu vực chợ gạo Trần Chánh Chiếu thì gặp chuyện “động trời”.
Bên kia đường một xe tải đang đậu để xuống hàng. Không biết bác tài cự nự bà chủ nhà kế bên sao đó mà ít phút sau có một nhóm thanh niên đi xe gắn máy xuất hiện. Vừa dừng xe thì đám thanh niên móc mã tấu ra. Bác tài xế hoảng sợ bỏ chạy, đám thanh niên chém xối xả vào… chiếc xe!”. “Dằn mặt” xong, cả đám bỏ đi.
Chuyện đến đó kể như hết nhưng với anh Ba “G” thì chưa hết. Vài phút sau, anh Ba “G” sững sờ nghe mấy người uống cà phê ở bàn gần bên bàn tán xôn xao. Một thực khách nói oang oang: “Cũng tại thằng cha tài xế mất dạy. Đậu xe ngay nhà người ta rồi còn chửi bà già nữa thì ai mà chịu nổi. Công nhận ông Ba “G” và đám đàn em dữ thiệt!”.
Ba “G” nuốt đánh ực miếng bánh mì rồi quay qua hỏi ông thực khách: “Cái đám mới hồi nãy là đàn em của Ba “G” hả?”.
Ông thực khách gân cổ nói: “Cái ông bự bự con cầm cây mã sáng giới là ông Ba “G” đó! Tôi chứng kiến rõ ràng. Vừa xuống xe, ổng chỉ vô mặt thằng tài xế nói: “Mày chưa nghe danh Ba “G” phải không?”. Đến nước này anh Ba “G” chỉ biết lủi thủi kêu tính tiền rồi bước ra khỏi quán.
Tương tự, anh Ba “V” - một tay giang hồ quận 5 đã gác kiếm- cho biết: “Bữa đó tôi gặp xui. Đang ngồi ăn ốc với mấy người bạn ở lề đường Nguyễn Tri Phương thì có một đám khoảng chục tên nhào vô chém đám thanh niên ở bàn kế bên.
Trước khi rút, một tên trong đám trợn mắt, nói lớn: “Đ.M! Tụi mày chưa nghe danh tao hả. Ba “V” nè?”. Nghe gọi đến “hỗn danh” của mình, anh Ba “V” vội đưa tay kéo cái nón che bớt khuôn mặt, nơi có gần chục vết thẹo do các lần đâm chém nhau trên đường phố, thầm nghĩ: “Ủa! Vậy còn thằng nào tên Ba “V” nữa vậy ta?”.
Chém “số” để lấy “số”!

L. “lé” - chủ một sòng bạc nổi tiếng ở quận 5 - cho biết: “Các đàn anh có “số má” trên chốn giang hồ như: Ba “G”, Sáu “T” ở quận 6, Ba “H”, Út “Đ” ở quận 8, Ba “T”, Ba “D” ở quận 4, S “bạc” ở quận Bình Thạnh, Cu “N” ở quận 1… hầu như đã “tàng hình”. Phần vì “ngán cơm tù” và hồ sơ đã bị “hình cảnh” (cảnh sát hình sự) quản lý.
Tuy nhiên, đám sát thủ trẻ xuất hiện gan lì hơn, hành tung bí ẩn hơn và hành xử táo bạo hơn. Bây giờ không còn chuyện “tre già măng mọc nhưng đừng mọc chỗ của tao” như trước nữa. Đám sát thủ trẻ ngoài mặt thì nể nang, “anh anh, chú chú” nhưng nếu cần thì sẵn sàng hạ thủ đàn anh để “lấy số” như thường”.
Cách đây không lâu, tại một quán cà phê sang trọng trên đường N.V.C. (quận 1) đã xảy ra một vụ thanh toán khá táo bạo. Cặp thanh niên nam nữ đang ngồi uống cà phê khá tình tứ bỗng nhiên có một nhóm thanh niên mắt đeo kính đen, mặt bịt khẩu trang xuất hiện. Không nói không rằng họ móc dao chém xối xả vào người thanh niên.
Sau khi người thanh niên ngã vật xuống nền nhà, nhóm thanh niên rút nhanh ra cửa, nơi đồng bọn đang đợi sẵn và tẩu thoát. Ít ai biết gã thanh niên bị chém chính là đàn em thân cận của một nữ sát thủ nổi tiếng ở miền Bắc. Theo nhiều nguồn tin thì nhóm thanh niên sát thủ được nhận được lệnh từ biên giới Campuchia - nơi gã thanh niên nạn nhân đang hùn tiền mở sòng bạc.
“Hạ thủ” đàn anh để lấy số đang diễn ra khá phổ biến và trường hợp B.T.Q. (thường gọi là Tư “N”) là một điển hình. Tư “N” trúng thầu bãi xe tại một vũ trường ở quận 1 và kiêm luôn bảo kê cho vũ trường này. Mới đây, trên đường về nhà đến khu vực quận 6 thì xe của Tư “N” va quẹt với một xe khác. Vừa lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp nói câu nào thì Tư “N” bị chém xối xả. Cho đến nay, ai là người ra tay “động thủ” thì vẫn là một ẩn số!.
Chỉ tính trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến đầu tháng 12-2008, Công an TPHCM đã tổ chức tiêu hủy 584 vũ khí quân dụng, 1.332 viên đạn, 34 súng các loại, 612 công cụ hỗ trợ, kiếm, đao tự chế… Theo Trung tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, đơn vị đang tăng cường năng lực hoạt động đặc nhiệm với 1 Đội trực thuộc PC14 và 23 tổ đặc nhiệm trực thuộc công an quận, huyện. Trước đó, Công an TPHCM đã bố trí lực lượng tuần tra và bảo vệ các ngân hàng, tiệm vàng, trung tâm thương mại cũng như kêu gọi nhân dân và người nước ngoài nêu cao tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm trong khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2009. |
ĐOÀN HIỆP (SGGP 12G)