Nhận diện đội chung kết đầu tiên Tây Ban Nha: Phòng ngự mới là giỏi!

“Chúng tôi không bao giờ ra sân để phòng ngự, vì Tây Ban Nha không phải là một đội hình phòng ngự. Chỉ là chúng tôi phòng ngự tốt!”, HLV Del Bosque tuyên bố.

“Chúng tôi không bao giờ ra sân để phòng ngự, vì Tây Ban Nha không phải là một đội hình phòng ngự. Chỉ là chúng tôi phòng ngự tốt!”, HLV Del Bosque tuyên bố.

1- Phải chăng đã đến lúc phải coi lại xem Tây Ban Nha có thật sự là “đội bóng tấn công hay nhất, đẹp nhất thế giới” hay không? Có lẽ thế. Bởi vì thành tích nổi bật nhất của họ từ đầu EURO đến nay, thậm chí từ trước EURO đến nay là… phòng ngự.

Rõ ràng như vậy. Sau khi hòa Italia 1-1 ở trận đầu tiên tại bảng C, khung thành Casillas không còn bị đánh bại một lần nào nữa. Họ bình tĩnh đối phó, họ đối phó thành công mọi nỗ lực tấn công của Ailen, Croatia, Pháp và Bồ Đào Nha. Có 2 lý do chủ đạo trong chuyện này.

Thứ nhất là Tây Ban Nha trận nào cũng chiếm ưu thế cầm bóng từ 60% trở lên. Có thể họ tấn công chưa thật lợi hại, ghi bàn chưa thật dồi dào, ra đòn chưa thật hiểm hóc với cái ưu thế cầm bóng đó. Có thể họ quá nhiều lần sàng qua sàng lại, sàng tới sàng lui mới đưa được một… tiền vệ vào vị trí dứt điểm. Có thể họ đã làm cho nhiều người… phát chán. Nhưng nếu Tây Ban Nha luôn chiếm ưu thế vượt trội về cầm bóng thì tức là đối phương đói bóng, và không có nhiều bóng thì đương nhiên là đối thủ không thể tấn công nhiều được.

Nhận diện đội chung kết đầu tiên Tây Ban Nha: Phòng ngự mới là giỏi! ảnh 1

Sergio Ramos (trái) ngăn chặn hiệu quả Cristiano Ronaldo.

2- Thứ hai, hàng phòng ngự Tây Ban Nha nói riêng đã chơi tốt - như chính trận bán kết vừa rồi với Bồ Đào Nha đã cho thấy. Không như 4 trận trước đó, trận thứ 5 này là cuộc đụng độ ghê gớm với một trong những đội hình nguy hiểm nhất EURO, trong đó có ngôi sao sáng nhất từ đầu giải đến nay: Cristiano Ronaldo. Kết quả? Trước hàng phòng ngự Tây Ban Nha có 3 cầu thủ cùng đội Real là Arbeloa, Ramos và Casillas, cả 7 lần sút bóng của Ronaldo đều chệch khung thành. Đó là do Ronaldo thường xuyên bị đẩy ra hơi quá xa hoặc là phải sút trong tình huống hơi vội vã.

Với kết quả 0-0 với Ronaldo trong 120 phút thi đấu, vậy là Tây Ban Nha đã giữ sạch mành lưới trong tổng cộng 9 trận đấu loại trực tiếp ở các kỳ EURO/World Cup. Lần sau cùng họ bị lọt lưới là trận gặp Zidane và các cầu thủ Pháp (thua 1-3) ở vòng 16 đội World Cup 2006. Quả là một thành tích ấn tượng đối với một đội hình mang danh là tấn công. “Chúng tôi không bao giờ ra sân để phòng ngự, vì Tây Ban Nha không phải là một đội hình phòng ngự. Chỉ là chúng tôi phòng ngự tốt!”, HLV Del Bosque tuyên bố.

3- Nhưng nói gì thì nói, để thắng trận chung kết EURO/World Cup thứ 3 liên tiếp vào đêm Chủ nhật này, dứt khoát thầy trò Del Bosque phải củng cố lại khâu tấn công cho có nét, có hiệu quả và “có đòn độc” hơn trận bán kết vừa rồi.

Củng cố cách chơi của tiền vệ lẫn tiền đạo. Cuộc chiến với người Bồ cho thấy hàng tiền vệ Tây Ban Nha rời rạc bất thường, đặc biệt là trong hiệp 1. Những đường chuyền ngắn, những miếng phối hợp giữa bộ tứ Xavi, Xabi Alonso, Iniesta và David Silva không còn dính như keo nữa. Thay vào đó, họ quá thường xuyên va vấp. Một phần là do tiền vệ Xavi - người đã xác lập chuẩn mực mới cho một nhạc trưởng trên sân - chỉ còn như cái bóng của chính mình.

4- Đã xây dựng tấn công kém hiệu quả thì đương nhiên việc kết thúc tấn công cũng bị ảnh hưởng. Việc sử dụng trung phong Alvaro Negredo ngay từ đầu đã bị phá sản. Trung phong thật của Del Bosque hầu như không đóng góp được gì và anh ta chỉ tồn tại đến phút 54 thì bị thay bằng Fabregas - một “trung phong ảo”. Tất nhiên, sau đó Tây Ban Nha đã tỏ ra nguy hiểm hơn, nhất là trong hiệp phụ với Pedro và Jesus Navas được đưa vào 2 cánh.

Nhưng với 57% thời gian cầm bóng, 3 lần thay người và áp dụng lần lượt 2 đấu pháp khác nhau mà chỉ tạo ra được 4 cú dứt điểm đúng hướng và chỉ thắng được Bồ Đào Nha bằng luân lưu thì rõ ràng “đội bóng tấn công đẹp nhất thế giới” hiện nay cũng chỉ như những diễn viên múa…

Hưng Nguyên

Tin cùng chuyên mục