Nhân giống thành công xương rồng “đa chức năng”

Một giống xương rồng “đa chức năng”mới, có thể làm rau xanh, nguyên liệu dược phẩm, thức ăn cho gia súc... vừa được các nhà khoa học Viện Ứng dụng công nghệ tại TPHCM (Bộ Khoa học và công nghệ) nhân thành công. Đây là giống xương rồng Nopal, có nguồn gốc từ Mexico rất phù hợp với vùng cát khô hạn và đồi núi trọc tại Việt Nam. Đặc biệt, giống xương rồng này đã được trồng thử nghiệm và bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Một giống xương rồng “đa chức năng”mới, có thể làm rau xanh, nguyên liệu dược phẩm, thức ăn cho gia súc... vừa được các nhà khoa học Viện Ứng dụng công nghệ tại TPHCM (Bộ Khoa học và công nghệ) nhân thành công. Đây là giống xương rồng Nopal, có nguồn gốc từ Mexico rất phù hợp với vùng cát khô hạn và đồi núi trọc tại Việt Nam. Đặc biệt, giống xương rồng này đã được trồng thử nghiệm và bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Theo TS Võ Đình Quang, Giám đốc Chi nhánh Viện Ứng dụng công nghệ tại TP Hồ Chí Minh, cây xương rồng Nopal đã được du nhập vào Việt Nam theo con đường không chính thức và đã được Viện Ứng dụng công nghệ nhân giống và trồng thử nghiệm thành công.

Kết quả thu được đều khẳng định xương rồng Nopal hoàn toàn thích nghi và có chất lượng (vị ngon) để làm rau thực phẩm rất tốt và là cây trồng triển vọng cao cho các vùng đất trống đồi núi trọc không thể trồng các cây trồng khác

Xương rồng “đa chức năng” Nopal (tên khoa học là Opuntia. Spp, thuộc họ Cactaceae) có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được trồng ở nhiều nước trên thế giới (Mexico, Brazil, Ethiopi, Úc,...). Đây là loại cây có đặc điểm mọng nước (khoảng 95% nước), sinh trưởng nhanh, khỏe.

Theo kết quả nghiên cứu, xương rồng Nopal có khả năng thích nghi cao với điều kiện bán khô hạn, kể cả các vùng khắc nghiệt như ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Năng suất chất xanh khi sản xuất ổn định có thể đạt từ 120 – 400 tấn/ha/năm. Với năng suất chất xanh cao và giá trị dinh dưỡng không thua kém nhiều loại cỏ khác, xương rồng Nopal được dùng để làm thức ăn cho trâu, bò, dê cừu. 

Xét về mặt dinh dưỡng, lá xương rồng Nopal có thể dùng làm rau (hơi nhớt nhưng có vị gần giống như ớt Đà Lạt) dùng để chế biến hoặc thậm chí ăn sống (như dưa leo). Ở Mexico, xương rồng Nopal là một trong 4 cây rau chính phổ biến. Ngoài việc dùng làm rau xanh chế biến, ăn sống, xương rồng Nopal được chế biến thành bột dinh dưỡng giá trị cao, có thể coi như một nguồn thức ăn bổ sung quý cho người. Xương rồng có thể đóng hộp, phơi khô, muối dưa, làm bột để làm bánh… 

Lá xương rồng nghèo protein nhưng rất giàu carbonhydrat, vitamin, calcium nên rất tốt cho những người ăn kiêng, đặc biệt để giảm cholesteron. Xương rồng Nopal còn được coi như là một loại cây dược liệu, vì thân cây có các loại acid amin như lyzin, isoleucin, treonin, valin, leucin, triptophan, metionin và phenilanin, có công dụng trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh rối loạn tiêu hóa, béo phì, bệnh tim, bệnh tiểu đường và làm tiêu mỡ. 

Do tính năng có nhiều ứng dụng đặc biệt, xương rồng “đa chức năng” nopal đang được triển khai rất nhanh ở nhiều vùng của Trung quốc. Riêng ở Bắc Mexico, xương rồng nopal được trồng trên hơn 100.000 ha với sản lượng khoảng 350 ngàn tấn/năm. Ngoài ra xương rồng nopal cũng được trồng ở nhiều nước khác như  Italia, Argentina… Hiện tại có không dưới 50 sản phẩm chế biến từ xương rồng Nopal. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nước nhập khẩu các sản phẩm từ xương rồng Nopal nhiều nhất.

Quả xương rồng có vị chua ngọt có thể dùng làm quả tươi như môït loại trái cây thông thường, nước giải khát hoặc có thể dùng để làm chất nhuộm màu thực phẩm an toàn.

Theo tài liệu nghiên cứu ở nước ngoài, quả xương rồng còn có tính năng giảm cholesteron, kháng viêm, chữa chứng khô miệng, chán ăn. Năng suất quả xương rồng vào thời kỳ kinh doanh có thể đạt 12 – 15 tấn/ha/năm.

TS Quang cho biết: “Xuất phát từ những ích lợi như đã nêu trên, chúng tôi cho rằng rất có thể xương rồng Nopal sẽ là một cây trồng “xóa đói giảm nghèo” cho bà con nông dân các xã thuộc vùng bán khô hạn không có khả năng gieo trồng các cây trồng khác, và không loại trừ trong tương lai không xa, xương rồng Nopal sẽ có mặt trong thực đơn rau hàng ngày của người dân Việt Nam. Hiện nay viện đã hoàn thiện quy trình nhân giống và từng bước có thể phối hợp để triển khai nhân rộng tiến bộ kỹ thuật này cho bà con nông dân”.

Lê Việt Nhân

Tin cùng chuyên mục