
Địa hạt xe buýt TPHCM vừa có thêm một cột mốc nữa khi ngày 17-9 vừa qua, ngành công chính đưa vào hoạt động tuyến buýt mã số 35 chuyên chạy ở trung tâm quận 1. Có nhiều điều lắng đọng từ sự kiện này.
“Đo chân rồi mới đóng giày”
Tuyến với tên gọi Trung tâm quận 1 mã số 35 là tuyến buýt có trợ giá, có lộ trình được thiết kế đặc biệt vì đi qua hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước, trường học và trung tâm thương mại ở khu trung tâm TPHCM.
Theo giới thiệu của cơ quan chức năng, hành trình của tuyến buýt số 35 đi qua hàng loạt cung đường sầm uất, tiêu biểu ở quận 1 như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Pasteur, Nguyễn Thái Học, Hàm Nghi, Ký Con, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Quảng trường Công xã Paris, Đinh Tiên Hoàng… Cự ly giữa hai đầu bến của tuyến là 11,35km, trong đó hàng ngày chuyến đầu tiên xuất bến lúc 6 giờ và chuyến cuối cùng lúc 20 giờ với thời gian giãn cách giữa các chuyến là 8-12 phút, tức là tần suất dự kiến 160 chuyến buýt xuất bến/ngày.
Xét về khía cạnh đầu tư dài lâu cho xe buýt thành phố, có một số chi tiết đáng chú ý liên quan đến sự kiện này. Trước hết, người ta ghi nhận rằng được đưa vào vận hành trên tuyến buýt trung tâm này là 11 chiếc xe buýt nhỏ B40, loại 40 chỗ, toàn bộ đều được đóng mới tại Công ty cổ phần Cơ khí ô tô 3/2.
Nói cách khác thành phố đã và tiếp tục quan tâm đến việc tính tới đặc thù địa bàn luồng tuyến buýt chạy qua để lựa chọn loại phương tiện phù hợp, tức là đo chân rồi mới đóng giày chứ không quá chăm chăm nhắm vào xe buýt loại lớn B80 vốn chỉ thích hợp với nhiều con đường có bề rộng hoành tráng, như đã từng xảy ra trước đây.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương tuyến buýt số 35, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Dương Hồng Thanh đã không quên nhấn mạnh đây là loại xe buýt hoạt động phù hợp với điều kiện của trung tâm quận 1 vốn dĩ chằng chịt và đường sá phổ biến quanh bề rộng khiêm tốn. Xin mở một dấu ngoặc ở đây: không chỉ quận trung tâm, toàn thành phố hiện có 70% con đường mà bề rộng mặt đường từ 7m trở xuống!
Nói cách khác, trong chiều hướng “đo chân rồi mới đóng giày”, từ điều kiện thực tế đường sá để chọn loại xe buýt phù hợp, và trong mong muốn “phủ sóng” trên diện rộng cung đường có xe buýt chạy qua thì có thể thấy rằng tương lai của xe buýt thành phố là xe buýt cỡ trung và cỡ nhỏ.
Xe buýt xanh, thân thiện môi trường
Đội xe buýt vừa được đưa vào vận hành trên tuyến mã số 35 này không những có trang bị một loạt tiện nghi tiên tiến như máy lạnh, hệ thống giám sát hành trình, hệ thống nhận diện mới, hệ thống bán vé tự động, hệ thống báo trạm tự động… mà còn đảm bảo đạt tiêu chuẩn khí thải Euro III.
Điều này cũng cho thấy ngành chức năng thành phố đã và đang đặc biệt chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường và tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu khi lựa chọn loại phương tiện đưa vào khai thác trên tuyến.
Trên thực tế, dù không tuyên bố long trọng, rình rang nhưng rõ ràng địa hạt xe buýt tại thành phố đang từng bước được cơ quan chức năng chuyển hướng dần sang mô hình xe buýt sạch, thân thiện với môi trường, mà biểu hiện đầu tiên là yếu tố bảo vệ môi trường ngày càng được chú ý hơn ngay từ khâu đầu tư phương tiện như vừa nói.
Có lẽ vì vậy mà trong quy hoạch đầu tư 1.680 xe buýt cho thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2015, cơ quan chức năng đã ưu tiên dành 300 suất đầu tư cho loại xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, giảm thiểu khí thải gây hại cho môi trường sống.

Bên trong xe buýt trung tâm quận 1 với chỗ ngồi thoải mái, đạt chuẩn khí thải Euro III, đi qua được nhiều đường nhỏ. Ảnh: DIỄM THY
Thông qua những nỗ lực gần đây của ngành công chính nói chung và địa hạt xe buýt nói riêng, có thể thấy rằng đang có một nỗ lực bứt phá từ cơ quan chức năng để trong tương lai dài lâu vực dậy địa hạt xe buýt. Nhưng trước mắt là kịp đáp ứng kỳ hạn chỉ tiêu đã được lãnh đạo thành phố giao cho ngành công chính.
Còn nhớ khi ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX về chương trình kéo giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020, chính quyền thành phố đã xác định phải tăng cường hơn nữa năng lực vận chuyển hành khách của xe buýt.
Cụ thể, khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị bằng xe buýt đến năm 2015 của thành phố phải đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại và sang năm 2020 con số đó phải tăng lên gấp đôi, tức phải tối thiểu đáp ứng 30% nhu cầu đi lại. Bây giờ đã bước vào những tháng cuối cùng của năm 2012, nghĩa là thời điểm 2015 cũng chẳng còn bao xa nữa, vì thế hứa hẹn từ nay đến cuối năm và trong năm 2013 tiếp theo, địa hạt xe buýt thành phố hẳn sẽ còn nhiều bứt phát được đem ra trình làng.
Vài thông số về xe buýt TPHCM - Địa bàn thành phố hiện có 147 tuyến buýt phổ thông, tăng 50 tuyến so với cách đây một thập niên, trong đó có 111 tuyến có trợ giá, tăng 66 tuyến so với năm 2002 là năm thành phố chính thức khai trương 8 tuyến xe buýt điểm. Tổng số cự ly tuyến có trợ giá tăng từ 1.542km năm 2002 lên thành 3.452km vào cuối năm 2011, đạt mức tăng 2,2 lần. - Hiện nay thành phố đang có 439 nhà chờ, 2.356 trụ dừng, 157 bảng treo và 3.741 ô sơn được bố trí trên hệ thống mạng lưới tuyến buýt. Hệ thống trạm dừng, nhà chờ này như thế là đã có bước phát triển cả về chất lẫn lượng, đồng thời các mẫu thiết kế nhà chờ mới liên tục được cải tiến theo hướng phải đảm bảo về mặt thẩm mỹ, cấu kiện lẫn chi phí xây dựng. |
THIỆN NHÂN