Nhân kiệt non nước Cao Bằng

Trong đợt đi thực tế sáng tác và giao lưu cuối tháng 5 đầu tháng 6-2012, tôi cùng hai nhà văn trẻ Tiến Đạt và Trần Nhã Thụy tìm đến Cao Bằng. Vùng địa đầu thiêng liêng Tổ quốc hiện ra thật hùng vĩ và thơ mộng, khiến những người mới lần đầu đặt chân tới đây ngạc nhiên và tự hào, đặc biệt là huyền thoại về những nhân vật lịch sử từng gắn bó với vùng đất này.

Trong đợt đi thực tế sáng tác và giao lưu cuối tháng 5 đầu tháng 6-2012, tôi cùng hai nhà văn trẻ Tiến Đạt và Trần Nhã Thụy tìm đến Cao Bằng. Vùng địa đầu thiêng liêng Tổ quốc hiện ra thật hùng vĩ và thơ mộng, khiến những người mới lần đầu đặt chân tới đây ngạc nhiên và tự hào, đặc biệt là huyền thoại về những nhân vật lịch sử từng gắn bó với vùng đất này.

Từ Hà Nội, theo quốc lộ 3 đưa chúng tôi qua Thái Nguyên, Bắc Kạn vượt đèo Giàng, đèo Gió, đèo Mã Phục để đến với Cao Bằng. Nếu nhìn lên bản đồ Việt Nam ta sẽ thấy hiện lên bảy tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh trải dài theo hình vòng cung từ Tây sang Đông. Trong đó, Cao Bằng nằm ở phía Đông Bắc là một vùng đất đặc biệt, từng là kinh đô, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và những truyền thuyết dân gian độc đáo.

Chúng ta thường nghe nói về xứ Lạng, xứ Kinh Bắc, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng, xứ Nẫu, xứ Đồng Nai,… nhưng với riêng Cao Bằng thì không ai gọi xứ mà là non nước - non nước Cao Bằng. Hai chữ non nước cũng đã tôn vinh một vùng đất thiêng, cái nôi văn hóa cho cả dân tộc.

“Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Câu ca dao được truyền tụng nói về cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn Lê - Mạc kéo dài hàng trăm năm, không biết từ lúc nào đã trở thành niềm thôi thúc mạnh mẽ chúng tôi về với vùng địa đầu Tổ quốc, thăm thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, khu di tích Pác Bó, viếng mộ anh Kim Đồng,…

Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc mà nơi đầu tiên vị lãnh tụ đặt chân đến là Cao Bằng. Cũng từ đó vùng địa linh này biến thành một căn cứ địa, một thủ đô kháng chiến, hội tụ tinh hoa trí tuệ và khí phách của những người con ưu tú. Và cũng từ nơi đây, các chủ trương, đường lối và cả nhân lực đã tỏa đi khắp mọi miền đất nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cao Bằng cũng chính là nơi ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp thành lập và chỉ huy vào ngày 22-12-1944.

Từ thực tế lịch sử phong phú của mình, Cao Bằng đã trở thành vùng đất sản sinh nhiều nhân kiệt tài đức vẹn toàn trong quá trình đấu tranh sinh tồn trước sự hung bạo của thiên nhiên và các thế lực ngoại xâm, thổ phỉ cướp phá. Trong đồng bào các dân tộc Cao Bằng còn truyền tụng nhiều giai thoại về “Ông Ké” Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều chiến sĩ cách mạng, tướng lĩnh nổi tiếng từng gắn bó với suối Lê Nin, núi Các Mác ở cái nôi của cách mạng. Đặc biệt, người Cao Bằng rất tự hào khi nói về những người con của quê hương mình như các tướng Vũ Đức (Hoàng Đình Giong), Nam Long, Đàm Quang Trung, Vũ Lăng, Vũ Lập… từng là những thành viên sáng lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, rồi sau đó đưa quân Nam tiến xuyên suốt chiều dài Tổ quốc để chống quân xâm lược.

Phan Hoàng

Tin cùng chuyên mục