Đi suốt quá nửa hành trình của cuộc đời, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp Charles Gounod mới thú nhận: “Khi tôi 20 tuổi, tôi chỉ thừa nhận mình tôi có tài. Khi tôi 30, tôi đã biết nói: “Tôi và Mozart”. Khi tôi 40, tôi nói: “Mozart và tôi”. Khi tôi 50, tôi nói: “Chỉ Mozart!”.” Câu chuyện của Ch.Gounod có lẽ cũng là câu chuyện của chính chúng ta, của những thanh thiếu niên quan niệm “Ta là một, là riêng, là thứ nhất” (Xuân Diệu).
Cuộc đời của mỗi con người là một hành trình dài học hỏi và chiêm nghiệm. Cuộc đời của Gounod cũng đã để lại cho chính bản thân ông và chúng ta nhiều kinh nghiệm sống quý báu.
Khi ở tuổi 20, cái tuổi trẻ nhiệt huyết căng tràn nhựa sống đang chập chững bước những bước chân lạ lẫm vào đời, Ch.Gounod mang trong mình sức sống của tuổi thanh xuân đầy hoài bão, với khát khao khẳng định vị thế cá nhân trong một xã hội rộng lớn đầy mới lạ. Chính tài năng và niềm đam mê cháy bỏng đã dẫn dắt ông bước lên con đường trải đầy hoa hồng, và cũng chính cái tôi cá nhân của tuổi trẻ đã khiến ông cảm giác như mình đang đứng trên đỉnh Hi Mã Lạp Sơn, đã nắm bắt cả vũ trụ, không một ai có thể sánh bằng ông, không Beethoven, không Tchaikovsky và không cả Mozart.
“Tôi chỉ thừa nhận một mình tôi là có tài hơn tất cả” - Đây chính là biểu hiện của sự tự phụ và tự cao, một căn bệnh mà thanh thiếu niên ngày nay rất dễ mắc phải. Với khối óc chưa được gọt giũa bởi thời gian, với lá gan chưa được tôi rèn qua nhiều thử thách, với cái tôi cá nhân không thể kìm hãm, thanh thiếu niên dễ dàng chấp nhận và tự phụ về những thành tích trước mắt mà không biết rằng đó chỉ là một giọt nước nhỏ giữa đại dương bao la. Tính tự phụ là một tính không tốt, cần phải tránh, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên tuổi đời còn non trẻ, chưa hiểu hết cuộc đời. Lấy câu chuyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” là một ví dụ điển hình, tính tự phụ chỉ khiến ta tách biệt với thế giới và ngày càng sa lầy vào ốc đảo nhỏ bé của chính bản thân ta.
Mười năm là khoảng thời gian không quá dài nhưng đủ để khiến ta lớn dần lên trong suy nghĩ và nhận thức. Tuổi tác và những va chạm thực tế khiến vốn sống con người dần mở rộng thêm. Vì thế, Ch.Gounod nhận ra rằng: “Tôi và Mozart!”. Đây là bước ngoặt quan trọng trong tư tưởng của thanh thiếu niên hiện nay. Việc biết lắng nghe và chấp nhận sự tài giỏi của người khác là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, sự bồng bột và cái tôi quá lớn của tuổi trẻ khiến chúng ta thường đặt bản thân lên trên người khác. Đây là biểu hiện của tính tự kiêu, tự cao của giới trẻ. Với vốn kiến thức và vốn sống còn hạn hẹp và ít ỏi, các thanh thiếu niên dù đã nhận ra sự hiện diện của cộng đồng xung quanh nhưng vẫn chưa vứt bỏ được cái tôi cao ngạo cá nhân, luôn đặt mình là trung tâm của cộng đồng, muốn được người khác sùng bái mình. Một số thanh niên cho rằng đôi khi, chính sự đề cao cái tôi cá nhân, sự tự cao về bản thân lại tạo ra động lực để chúng ta cố gắng phấn đấu vượt lên và hoàn thành tốt công việc hơn người khác. Nhưng đối với tôi “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ - Tự kiêu một chút cũng là thừa” (Karl Marx). Hãy kiềm chế bản thân, điềm tĩnh suy nghĩ để không hành động quá ngông cuồng, tự mãn khiến sau này phải hối hận thì cũng đã quá muộn màng rồi.
Bản chất người nghệ sĩ là hãnh tiến, kênh kiệu nhưng Ch.Gounod đã trưởng thành hơn trong mười năm tiếp theo. Trên con đường sự nghiệp, ông không thể vươn tới cái đích mà Mozart đã có. Dẫu không muốn hòa lẫn cái tôi của mình vào biển đời bất tận nhưng những trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp ông dám nói lên: “Mozart và tôi”. Ch. Gounod đã biết khiêm tốn hơn, biết cúi mình trước những người khác vĩ đại hơn mình. Sự chấp nhận và dám đối mặt với sự thật, can đảm vượt qua và tiếp tục cố gắng tiến lên là điều mà thanh thiếu niên hiện nay cần phải học hỏi ông. Thay vì tự đề cao giá trị của bản thân, chúng ta cần biết nhìn nhận và đề cao giá trị của người khác. Danh ngôn phương Tây có câu: “Tài năng hiếm nhất và khó khăn nhất là tài năng của kẻ chịu nhận người khác là có tài” (Trích Đắc nhân tâm - Dale Carnegie). Đại văn hào người Pháp Honoré de Balzac cũng từng khẳng định: “Sự khiêm tốn là lương tri của cơ thể”. Thanh thiếu niên cần có sự tỉnh táo để nhận thức được chân lý một cách đúng đắn và khách quan, biết cúi đầu trước một trí tuệ vĩ đại và quỳ gối trước một trái tim vĩ đại.
Khi bước vào tuổi 50, độ tuổi chín chắn nhất của cuộc đời, và đó cũng chính là lúc Ch. Gounod có thể nghỉ ngơi, nhìn lại nửa chặng đường đời đã đi qua, nhìn lại quãng đường đã cống hiến và lao động hết mình cho nghệ thuật. Kiểm nghiệm lại những gì làm được và chưa làm được, ông đã khẳng định vị trí thiên tài Mozart một cách đầy ngưỡng mộ: “Chỉ Mozart!”. Có thể thấy rằng, chỉ một câu nói đơn giản nhưng Ch. Gounod lại mất đến 50 năm để nhận ra và thốt lên tiếng nói ấy một cách tự hào và kính phục. Sự chín chắn và dám nhận khuyết điểm, sửa chữa là điều mà thanh thiếu niên cần học hỏi từ ông ngay bây giờ, chứ không phải đến khi cuộc đời gần kết thúc mới thấy hối hận vì những suy nghĩ sai lầm, bồng bột. Hãy nhớ rằng: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại - Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” (Dậy mà đi - Tố Hữu).
Thực tế xã hội trong lịch sử và hiện tại đã chứng minh những gì Ch.Gounod trải nghiệm không chỉ là trường hợp cá biệt mà lại rất phổ biến, đời thường. Không chỉ trong giới âm nhạc, nghệ sĩ, mà bất kỳ bạn trẻ, thanh thiếu niên nào cũng đều có thể lâm vào tình huống đó. Vì thế, thanh thiếu niên hiện nay cần có cái nhìn tích cực hơn về con người và thế giới xung quanh. Phải biết lấy trí tuệ làm nguồn gốc của khiêm tốn, chứ đừng để ngu dốt dẫn dắt ta ngông cuồng.
Tóm lại, câu nói “Khi tôi 20 tuổi, tôi chỉ thừa nhận mình tôi có tài. Khi tôi 30, tôi đã biết nói: “Tôi và Mozart”. Khi tôi 40, tôi nói: “Mozart và tôi”. Khi tôi 50, tôi nói: “Chỉ Mozart!” của nhà soạn nhạc người Pháp Ch.Gounod không chỉ đơn thuần nói về những trải nghiệm và quá trình thay đổi nhận thức tích cực tiến bộ của ông trong sự nghiệp âm nhạc mà mang ý nghĩa khái quát cho mọi lĩnh vực lao động của con người. Câu chuyện về cuộc đời ông chỉ đơn giản qua vài câu nói nhưng chứa đựng bao bài học về lẽ sống và cách sống ở đời. Thời gian, sự trải nghiệm thực tế và những kiến thức thu nhận được sẽ giúp chúng ta lớn lên, trưởng thành trong suy nghĩ và hành động. Bên cạnh những ý kiến của tôi về câu nói của Ch. Gounod, bạn hãy tự hoạch định cách nghĩ, cách làm của bản thân mình, bạn học được gì và lý tưởng của bạn là gì sẽ giúp bạn nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống bản thân mình.
Bài văn đạt 9,5 điểm của em Nguyễn Ngọc Khánh Ly (11B13 Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TPHCM, năm học 2011-2012)