Nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Dù diện tích nuôi tôm nước lợ (chủ yếu tôm thẻ chân trắng) của TPHCM không nhiều như các tỉnh ven biển khác, nhưng huyện biển Cần Giờ trở thành địa phương đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất của TP từ cây lúa độc canh và độc vụ sang nuôi tôm nước lợ, tạo ra sự chuyển mình của vùng đất một thời bị hoang hóa từ cuối những năm 1990.
Nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Giờ đây, Cần Giờ lại có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và năng suất tôm, qua đó gia tăng thu nhập của người dân. 
Dịch bệnh trên tôm luôn là điều ám ảnh người nuôi tôm nước lợ ven biển. Việc ứng dụng công nghệ cao đã giải quyết vấn đề này. Sau 2 năm tìm hiểu các địa phương ven biển, kỹ sư thủy sản Nguyễn Hoài Nam mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ Biofloc với quy trình 2 giai đoạn trong nhà kín theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 7.500m2 tại xã Tam Thôn Hiệp. 
Giai đoạn 1, vệ sinh hệ thống nuôi, lọc và xử lý nước, nuôi cấy vi sinh tạo floc và ương tôm trước khi thả nuôi.
Giai đoạn 2, tôm 30-60 ngày tuổi, được đưa vào ao nuôi, lót bạt đáy trong nhà lưới mùa nắng và che bạt kín mùa mưa; chất thải trong ao đưa ra hàng ngày.
Đầu tư thiết bị công nghệ cao: Máy nano oxygen cung cấp ôxy cực nhanh, khử phèn và hóa chất độc hại trong ao, ức chế các loại vi khuẩn gây bệnh, ổn định mật độ tảo khuê và tảo lục, phát triển vi sinh có lợi, giảm chỉ số PCR (hệ số chuyển đổi thức ăn).
Hộp data là hệ thống quan trắc tự động, giám sát chỉ tiêu nước chặt chẽ để sớm xử lý các vấn đề phát sinh.
Kiểm soát 24/24 giờ, lưu trữ dữ liệu để phân tích, từ năm 2016 đến nay đều thành công. Sau 80 ngày nuôi, tôm đạt khoảng 40 con/kg, đạt 33 tấn/năm, cung cấp cho các công ty thủy sản đông lạnh xuất khẩu, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/năm.
Công nghệ Biofloc giúp năng suất cao, hệ số PCR thấp, bảo vệ môi trường. Đây là lời giải cho việc mở ra hướng sản xuất bền vững, an toàn thực phẩm. 
Ông Trịnh Đức Huấn, với hơn 20 năm nuôi tôm tại xã Lý Nhơn (Cần Giờ), đã chuyển sang nuôi tôm đáy bạt 4 năm nay thay vì ao đất trên diện tích 3ha; đồng thời che lưới khu vực nuôi và thực hiện quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông thu 140 tấn tôm/năm và cung cấp tôm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các công ty ở TP. Ông Huấn đề nghị TP khuyến khích người dân lập các tổ liên kết, tổ hợp tác và cùng nuôi tôm đạt chuẩn VietGAP hay GlobalGAP,  hộ nào không đáp ứng đưa ra khỏi để bảo vệ uy tín cho tổ. 
Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng là huyện Cần Giờ (với 2.200ha, trên 3.000 tấn/năm) và xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Đã xuất hiện không ít mô hình nuôi tôm ứng dụng thiết bị hiện đại, như xây dựng hệ thống ao nuôi lót bạt đáy, lưới vây quanh ao nuôi, xây dựng nhà kín trong khu vực nuôi giúp hạn chế tác động xấu của thời tiết, khí hậu.
Những người nuôi còn đầu tư hệ thống cung cấp ôxy tự động và hệ thống vệ sinh đất ao nuôi đảm bảo môi trường, giúp giảm thiểu dịch bệnh, hay đầu tư máy cho ăn tự động... Nếu thành công, đến năm 2025, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Cần Giờ khoảng 2.400ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Nhà Bè là 120ha. 
Để nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi kinh phí lớn, khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, cần có chính sách giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Đơn vị chức năng nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải không chỉ bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường việc xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước; đo các thông số môi trường ở các khu vực trọng điểm, cảnh báo các bệnh có thể xảy ra và đề xuất giải pháp khắc phục dịch bệnh và ô nhiễm môi trường ở khu vực nuôi tôm.

Tin cùng chuyên mục