Nhân rộng mô hình “tổ kết nối nông sản” ở TPHCM ra cả nước

Sáng nay 31-8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì diễn đàn trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong cả nước để kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. 
Nhiều sản phẩm nông sản của ĐBSCL được kết nối tiêu thụ tại hệ thống Co.opmart
Nhiều sản phẩm nông sản của ĐBSCL được kết nối tiêu thụ tại hệ thống Co.opmart

Theo văn phòng Bộ NN-PTNT, diễn đàn này được Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo thành lập từ thành công của mô hình, sáng kiến kết nối, tiêu thụ nông sản của Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT tại TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam (Tổ công tác 970) nhằm hình thành, kết nối các khâu từ sản xuất, chế biến, thu hoạch đến lưu thông, tiêu thụ nông sản...

Từ đó tạo mối liên kết - hợp tác chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân trong việc: khắc phục điểm nghẽn của một nền sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”; hoạch định chính sách, tìm kiếm, đàm phán, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản; phát huy tối đa vai trò dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, của người tiêu dùng.

Theo Bộ NN-PTNT, thời gian qua, 2 tổ công tác của Bộ NN-PTNT ở miền Nam và miền Bắc đã phối hợp chặt chẽ, liên tục cập nhật, thông tin với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... của nông dân và doanh nghiệp.

Từ sáng kiến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh TPHCM và các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội của Tổ công tác 970 ở miền Nam như: xây dựng trang web, mạng xã hội (facebook, zalo) và số điện thoại đường dây nóng… đến nay, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương đã hình thành được 1.300 đầu mối cung ứng nông sản, 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên tới 1.000 tấn/ngày trong thời gian TPHCM siết chặt giãn cách xã hội.

Nhiều điểm thu mua thanh long (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) hoạt động trở lại sau khi được chính quyền hỗ trợ
 

Nhờ đó, nhiều đơn hàng lớn được kết nối, tiêu thụ thành công đã tích cực hỗ trợ hoạt động  cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội; nhất là chương trình “combo 10kg/túi nông sản” với giá 100.000 đồng tại TPHCM đã và đang có sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành phố áp dụng và nhân rộng tại Bình Dương, Tiền Giang…

Từ thực tế mô hình này, Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, đồng thời thành lập “Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” để mở rộng ra cả nước, với nhiều lĩnh vực, ngành hàng trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố gặp khó khăn và bị đứt gãy.

Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức các diễn đàn theo từng chủ đề ngành hàng nông sản theo từng mùa vụ được gắn với từng vùng miền và các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn như: diễn đàn thông tin kết nối cung cầu nông sản, lương thực thực phẩm cho Hà Nội, TPHCM, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam bộ, ĐBSCL và các vùng bị giãn cách do dịch Covid-19; kết nối cung - cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất các vụ quan trọng còn lại trong năm: tôm nuôi vụ 2, vụ 3, lúa vụ thu đông và đông xuân ở ĐBSCL, vụ đông ở miền Bắc…

Mục tiêu của mô hình là thông tin và dự báo tình hình sản xuất nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP, mạng lưới cung ứng, thu mua, các đầu mối (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp…); xây dựng dữ liệu nguồn cung và quản lý vùng trồng (thủy sản, trái cây, rau màu, lúa gạo đặc sản, chăn nuôi, lâm sản, dược liệu…); giới thiệu nông sản thế mạnh địa phương, thông tin thời vụ gieo trồng, thời điểm thu hoạch, sản lượng, chất lượng để giúp địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các hoạt động này được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục