Một ngày đẹp trời đầu năm mới 2015, trong quán cà phê gần dinh Gia Long cũ ngay trung tâm TPHCM, một nữ nhà báo chợt hỏi tôi: “Đố anh, Nam Phương hoàng hậu năm nay bao nhiêu tuổi?”. Tôi ngớ người, cười nói: “Làm sao anh nhớ mà em hỏi lạ vậy?”. Nữ đồng nghiệp bảo: “Các anh chỉ toàn quan tâm tới các chân dài bây giờ. Một người đẹp lừng danh lịch sử như Nam Phương hoàng hậu chẳng chịu nhớ! Tháng 12-2014 vừa rồi, bà ấy vừa tròn 100 tuổi đấy”.
Đúng là tôi không nhớ rõ ngày sinh ngày mất của vị hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn, nhưng cũng như bao người Việt Nam khác, làm sao tôi quên nhan sắc và phẩm cách của bà qua hình ảnh và những câu chuyện được truyền tụng. Trong khi đức lang quân của bà - vua Bảo Đại, thường bị phê phán bởi sự bất lực trước thời cuộc và lối sống xa hoa giữa lúc đất nước chìm trong bóng đen ngoại xâm, thì hoàng hậu Nam Phương luôn được nhắc tới với sự trân trọng. Bà không phải là một nhân vật lịch sử có công lao lớn với đất nước, dù bà từng tác động vua Bảo Đại thoái vị để trao ấn kiếm lại cho đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời, tích cực ủng hộ “Tuần lễ vàng”, viết thư kêu gọi nhân sĩ trí thức hải ngoại ủng hộ ngăn chặn quân Pháp tái xâm lược nước ta. Người đàn bà dịu dàng và thông minh này chủ yếu được nhớ tới vì ngoài ngoại hình đầy quyến rũ của người đẹp đất Gò Công, còn mang những đức tính tốt đẹp của một phụ nữ trong gia đình theo quan niệm “tứ đức” truyền thống: công, dung, ngôn, hạnh.
Nam Phương hoàng hậu
Mỗi thời đại, mỗi dân tộc có những quan niệm khác nhau về vẻ đẹp của người phụ nữ. Hoàng hậu Nam Phương là một hình ảnh tiêu biểu về vẻ đẹp người phụ nữ Việt thời phong kiến và có thể còn có giá trị lâu bền. Vẻ đẹp của bà cũng phù hợp với quan niệm dân gian được tích lũy qua những câu ca dao: Những người con mắt lá răm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền; và cả vẻ đẹp về tâm hồn: Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe.
Dù chưa phải là tổng quan nhưng qua đó ta cũng thấy toát lên quan niệm thẩm mỹ của người xưa đối với phụ nữ. Vẻ bề ngoài ấy trên một cơ thể nhỏ nhắn, đầy đặn, da trắng hồng, lưng ong với đôi mắt lá răm hay mắt bồ câu sắc như dao cau và nụ cười tươi hoa ngâu là nét đẹp cơ bản hình thể của phụ nữ. Ngày nay phụ nữ Việt không còn răng đen hạt huyền, cổ yếm đeo bùa, khăn đội đầu hoặc thiên về tóc bỏ đuôi gà nữa, nghĩa là quan niệm về cái đẹp bề ngoài đã thay đổi theo thời gian. Nhờ sự phát triển của khoa học dinh dưỡng và y tế, chiều cao phụ nữ được nâng lên, thân thể cân đối đầy sức sống cả ba vòng, gương mặt khả ái rạng rỡ. Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thẩm mỹ, vẻ đẹp hình thể phụ nữ hiện đại ngày càng hoàn hảo.
Phẫu thuật thẩm mỹ rõ ràng là hết sức lợi hại và cần thiết cho phụ nữ, nhất là những người chẳng may bị tạo hóa… hơi bất công. Cái lợi thì như trên đã nói. Nhưng cái hại cũng rất nguy nan. Một khi cái giả hòa quyện với cái thật thì dễ chấp nhận, đạt hiệu quả thẩm mỹ. Còn nếu cái giả nhiều hơn cái thật thì trở nên phô và phản cảm. Đó là chưa kể nếu lạm dụng quá mức sẽ chịu những hậu quả khôn lường về sau.
Khác với hình thể bề ngoài, quan niệm của xã hội ngày nay về vẻ đẹp tâm hồn phụ nữ Việt vẫn không không khác xưa mấy. Người phụ nữ đẹp, đáng yêu vẫn phải biết “ăn nói mặn mà có duyên” và “miệng cười như thể hoa ngâu”, cùng với “nết ở khôn ngoan” và cung cách ứng xử thông minh, tinh tế, dịu dàng, khéo léo từ gia đình đến ngoài xã hội. Khác chăng là cái nhìn đối với phái đẹp hiện đại được bình đẳng hơn, tự do hơn, dân chủ hơn và họ có quyền thoát ly gia đình để tham gia mọi hoạt động bên ngoài xã hội, chứ không chỉ chăm chăm lo công việc nội trợ như xưa.
Phụ nữ bây giờ cũng có quyền học hành, giữ mọi trọng trách trong xã hội như nam giới. Điều đó càng tăng thêm sự hấp dẫn của họ. Vẻ đẹp trí tuệ giúp phụ nữ thêm thăng hoa, có kiến thức và bản lĩnh ứng xử trong mọi sinh hoạt của đời sống.
Trở lại với vẻ đẹp hình thức. Tạo hóa sinh ra người phụ nữ có cấu trúc thể hình cơ bản giống nhau. Do môi trường sống và chất lượng sống, phụ nữ của mỗi sắc tộc, vùng miền, lãnh thổ, châu lục có sự khác nhau về màu da, vóc dáng, chiều cao và cả những chi tiết trên gương mặt. Quan niệm thẩm mỹ về hình thức phụ nữ từ đó cũng khác. Một phụ nữ Việt không thể cố tình nhờ “dao kéo” để làm đẹp giống Tây được, trong khi chiều cao và thể hình mình giới hạn. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thẩm mỹ còn cho biết, dù hình thức bên ngoài gây ấn tượng tức thời nhưng nó chỉ tạo nên sự khác biệt khoảng 10%, còn lại 90% thuộc về vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong tâm hồn của mỗi con người. Đó là đức tính, tri thức, bản lĩnh, ứng xử mang tinh thần văn hóa của dân tộc mình, đất nước mình. Nếu thiếu cái “trình” cái “phông” văn hóa, phụ nữ vốn là phái yếu càng dễ sa vào chủ nghĩa bi quan, thiếu tự tin, ích kỷ, nóng vội, tham lam, đua đòi, hiếu thắng và rất dễ bị sa ngã trước sự cám dỗ của vật chất, hư danh.
Nhìn lại những cuộc thi hoa khôi hoa hậu của nước ta khởi động từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX đến nay, có thể nhận thấy tỷ lệ 10% vẻ đẹp hình thức ấy lại được chú trọng hơn. Nhiều cô gái khi đến với các cuộc thi nhan sắc chỉ nghĩ đơn giản mình có sắc đẹp bên ngoài là đủ, ít ai nghĩ rằng vẻ đẹp thiên phú ấy mới chỉ là “điều kiện cần”, mà quên mất cái 90% quan trọng còn lại. Điều đó lý giải vì sao, nhiều thí sinh khi trả lời phần thi ứng xử rất ngô nghê, trở thành trò cười “để đời” cho thiên hạ.
PHAN HOÀNG