Trầm lắng. Đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, văn nghệ sĩ TPHCM đã chọn cách ấy để về Điện Biên trong những ngày lịch sử này. Là bởi giữa biển người đổ về chiến trường làm nên chiến công 60 năm trước, chúng tôi không rình rang, rực rỡ. Và rằng, nơi đoàn làm lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ và tổ chức đêm giao lưu văn nghệ là Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập ở ngoại ô vắng vẻ. Ấy vậy mà cả ngàn bà con vẫn đến xem và hào hứng giao lưu đến tận 23 giờ.
Và lần đầu tiên được nghe trực tiếp ca cổ nên cặp nghệ sĩ Nhã Thi - Minh Trường, diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, được bà con yêu cầu hát đến mấy lần. Và ông Nguyễn Thanh Ký (80 tuổi), chiến sĩ Đại đội 673, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 60 năm sau ngày góp sức vào chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, mới được trở lại thăm chiến trường xưa “rưng rưng xúc động và hạnh phúc tràn trề khi được tham dự một đêm giao lưu ý nghĩa ngay giữa nơi yên nghỉ của hơn 2.430 đồng đội năm nào”.
Chưa ai thống kê đầy đủ, nhưng ước tính có hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ TPHCM sáng tác về Điện Biên. Người hân hoan: “Âm vang Điện Biên: đọng trong từng bông lúa vàng. Âm vang Điện Biên: đọng trong từng nhà máy. Âm vang Điện Biên: đọng trên đường em đến trường. Âm vang Điện Biên: đọng trên đường biên giới xa” (Âm vang Điện Biên, Nguyễn Văn Hiên). Người 80 tuổi vẫn cần mẫn bên giá vẽ để hoàn thiện bức sơn dầu Chủ nhiệm Chính trị Lê Nam triển khai nghị quyết chiến dịch trong chiến hào Him Lam như đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm được đồng đội, công chúng yêu hội họa và đồng nghiệp yêu mến gọi là họa sĩ Điện Biên. Còn nhạc sĩ Thế Hiển tự tin tuyên bố anh sắp hoàn thành bài hát về Điện Biên Nhánh ban rừng, sẽ cũng xúc động và sâu lắng như Nhánh lan rừng thuở nào.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG