Tương phản với sự hoành tráng, hiện đại của hơn 5km đường Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) vừa được thông xe là khá nhiều ngôi nhà lụp xụp, siêu mỏng và siêu… méo nằm dọc hai bên đường. Trước sự khập khiễng này, nhiều chuyên gia về đô thị cho rằng, TPHCM cần nhanh chóng có cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tiến hành các dự án chỉnh trang đô thị để làm đẹp TP.
Còn đất nhỏ, méo mó, còn nhà kỳ dị
Nói về thời gian thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án xây dựng đường Phạm Văn Đồng, ông Trần Minh Thơ, Trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho biết, xác định đây là một trong những trục giao thông nội đô đẹp nhất thành phố nên thực hiện chỉ đạo chung của thành phố, Ban đền bù giải phóng mặt bằng quận một mặt tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng theo ranh dự án xây dựng đường, mặt khác tiến hành vận động người dân có diện tích còn lại sau khi giải phóng mặt bằng nhỏ, không đủ điều kiện để xây dựng lại nhà mới theo quy định, giao luôn phần đất này cho thành phố. Việc thu hồi sẽ được thành phố đền bù thỏa đáng theo mặt bằng đền bù chung của dự án. “Nhiều hộ dân đồng ý với lời đề nghị này… song cũng có không ít hộ dân không đồng thuận” - ông Trần Minh Thơ nói.
Không muốn rời xa nơi ở cũ là lý do lớn nhất được người dân đưa ra để giải thích cho quyết định của mình. Cũng có người nói thẳng thừng, muốn ở lại để hưởng lợi từ dự án làm đường… Thế nhưng, dù với bất cứ lý do gì thì việc người dân quyết giữ lại những mảnh đất nhỏ, không đủ điều kiện xây dựng nhà theo quy định cũng là nguyên nhân trực tiếp làm xuất hiện những ngôi nhà hình thù kỳ dị, siêu nhỏ, siêu mỏng trên một trong những trục đường nội đô đẹp nhất của TPHCM.
Có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề này, bởi theo Quyết định 135/2007 của UBND TPHCM về kiến trúc nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu và Quyết định 45/2009 của UBND TPHCM bổ sung, điều chỉnh một số điều trong Quyết định 135/2007, những diện tích đất quá nhỏ, méo mó không đủ điều kiện xây dựng, không được xây dựng. “Tuy nhiên, người dân giữ những mảnh đất ấy, chắc chắn không phải để trồng cây, làm công viên hay bất cứ một dạng công trình công cộng nào khác. Họ sẽ làm nhà để ở, xây cửa hàng để buôn bán kiếm sống. Do đó, việc chấp nhận để lại những mảnh đất nhỏ, không đủ điều kiện xây dựng sau đền bù giải phóng mặt bằng, vô hình trung là đã chấp nhận có những ngôi nhà kỳ dị, siêu mỏng, siêu méo ra đời” - các chuyên gia này phân tích.
Tiến hành các dự án chỉnh trang đô thị lớn
Theo nhiều chuyên gia về đô thị, giải pháp khả thi nhất trong việc xử lý những ngôi nhà kỳ dị dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện nay là nhanh chóng kêu gọi đầu tư, tiến hành các dự án chỉnh trang đô thị lớn. Thị trường địa ốc ảm đạm song với quy mô hoành tráng và vị trí quan trọng của đường Phạm Văn Đồng, các chuyên gia cho rằng, nếu có chính sách khuyến khích đầu tư thỏa đáng, sẽ có nhà đầu tư địa ốc lớn quan tâm đến khu vực này.
| |
Việc chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường nên thực hiện theo hình thức “bóc lõm” và xây dựng mới cả ô phố. Các công trình xây dựng mới nên được phép tăng chiều cao để có một phần diện tích ở phù hợp, dành phục vụ công tác tái định cư cho người dân tại chỗ. Tất nhiên, buộc người dân phải di dời một lần nữa (dù chỉ là tạm thời trong thời gian thực hiện dự án chỉnh trang) là điều không hay. Đáng lẽ công tác chỉnh trang đô thị phải được tiến hành đồng thời với công tác đầu tư xây dựng đường Phạm Văn Đồng thì cuộc sống người dân đã không bị xáo trộn nhiều. Thế nhưng, bây giờ là việc giải quyết những vấn đề… đã xảy ra rồi nên nếu không có những động thái quyết liệt, TPHCM sẽ khó có được một bộ mặt đô thị đẹp như mong muốn.
Thực hiện các biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn không cho phép người dân xây nhà trên các mảnh đất nhỏ bé, không đủ điều kiện xây dựng hoặc Nhà nước tiến hành mua lại các khu đất ấy là những giải pháp mang nhiều rủi ro. Thực tế đã chứng minh, các quy định về kiến trúc nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu đã có từ nhiều năm qua nhưng các ngôi nhà kỳ dị vẫn xuất hiện dọc đường Phạm Văn Đồng. Ngay cả với những khu đất nhỏ còn lại mà người dân đồng ý giao cho Ban đền bù giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, theo ông Trần Minh Thơ, các ban ngành chức năng đang cân nhắc phương án giải quyết. Sử dụng chúng làm công viên, trạm xe buýt… không dễ bởi chúng phải có vị trí phù hợp (nếu làm trạm xe buýt) và diện tích tương đối lớn (nếu làm công viên)… Bán lại cho người dân ở lân cận, cũng là giải pháp được tính đến nhưng liệu người dân lân cận có muốn mua và có đủ khả năng mua? Nhất là trong thời điểm hiện nay, sau khi tuyến đường Phạm Văn Đồng thông xe, giá trị đất ở đây đã tăng lên nhiều lần. Bán dưới giá thị trường, liệu cơ chế tài chính có cho phép?
| |
NGUYỄN KHOA