(SGGP).- Ngày 16-9, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4. Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, chủ động của các bộ, ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ đã chủ động phòng, chống và khắc phục nhanh hậu quả, giảm thiểu thiệt hại; đồng thời gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.
Công nhân môi trường dọn dẹp cây xanh bị gãy đổ tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Ảnh: T.L
Hiện nay, đang là thời kỳ cao điểm về mưa lũ, để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của mưa lũ trong thời gian tới, khắc phục nhanh hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh và các bộ, ngành có quan liên quan phối hợp chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Trong đó tập trung tổ chức tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương. UBND tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An huy động lực lượng, chỉ đạo các cơ quan chức năng nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích, xác định danh tính những người bị thiệt mạng để sớm bàn giao cho gia đình đưa về an táng.
Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn. Huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Bộ NN-PTNT chỉ đạo địa phương kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; triển khai các biện pháp khôi phục, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Cũng trong sáng 16-9, lực lượng tìm kiếm cứu hộ của Thanh Hóa, Nghệ An và lực lượng chức năng địa phương đã tìm thấy thêm 2 thi thể nạn nhân bị mất tích trong vụ lũ ống, lũ quét do mưa lũ xảy ra vào sáng 14-9 tại khu vực giáp ranh giữa huyện Như Xuân (Thanh Hóa) và huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Theo đó vào khoảng 10 giờ 30 sáng cùng ngày, sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 thi thể nạn nhân được cho là các nạn nhân trong vụ sạt núi do mưa lũ gần khu vực lán trại của các nạn nhân. Do bị đất đá vùi lấp nên 2 thi thể bị biến dạng, lực lượng chức năng chưa thể xác định danh tính của các nạn nhân. Hiện có trên 100 người thuộc các lực lượng của Thanh Hóa và Nghệ An vẫn đang tích cực tìm kiếm các nạn nhân còn lại. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn vì đất, đá và cây cối vùi lấp khu vực lán trại quá nhiều; nước suối vẫn còn lớn, chảy xiết, nhiều thác lớn nên khó xác định được những người gặp nạn đang bị vùi lấp hay trôi dạt ở khu vực nào.
Ngày 16-9, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết trong vài ngày qua, tình hình mưa lớn kéo dài trên địa bàn 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh đã gây sạt lở kênh mương, bờ đê nội đồng và khiến trên 1.700ha lúa bị ngập úng nghiêm trọng.
Theo đó, huyện Tánh Linh là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với gần 1.600ha lúa (chủ yếu là lúa mới gieo sạ) bị ngập úng, thiệt hại trên 30%. Mưa lớn kéo dài cũng đã khiến nhiều công trình thủy lợi, kênh mương, bờ đê bị sạt lở với tổng chiều dài 57m. Trong đó, kênh BN2 xã Đức Tân (huyện Tánh Linh) bị sạt lở dài khoảng 7m và đang có nguy cơ bị bể. Ngay sau khi xảy ra ngập lụt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã vận động người dân trong vùng triển khai thực hiện khơi thông các mương thoát nước, tháo dỡ các phai chắn để tiêu nước; chỉ đạo, huy động nhân dân dùng tre, nứa, gỗ, bao cát để đắp, chắn kịp thời các đoạn kênh bị bể hạn chế nước tràn vào ruộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
PHAN THẢO - PHONG HẢI - NGUYỄN TIẾN