Nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú : Tắc vì... chỗ ở

Nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú : Tắc vì... chỗ ở

Sau 1 tháng thực hiện Luật Cư trú, theo số liệu của Công an TPHCM, có gần 4.500 hộ với hơn 17.400 người dân nhập cư đã được nhập hộ khẩu vào TP. Đây là kết quả đáng mừng, song so với số lượng gần 1 triệu người dân nhập cư đang sinh sống trên địa bàn TP thì con số này vẫn còn chưa thấm vào đâu. Vì sao?

Luẩn quẩn chuyện hộ khẩu đòi nhà...

Từ những ngày đầu tháng 7, hơn 21.000 người dân đã đến trụ sở công an 24 quận, huyện hỏi thăm cách khai báo giấy tờ để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, thường trú theo Luật Cư trú vừa có hiệu lực. Sau một tháng thực hiện Luật Cư trú, chỉ có hơn 17.400 người (trong tổng số khoảng 1 triệu người nhập cư) đủ điều kiện đăng ký thường trú tại TPHCM. Nguyên nhân tại cái nhà!

Nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú : Tắc vì... chỗ ở ảnh 1

Người dân đang làm thủ tục nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú tại Công an quận Tân Bình. Ảnh: M.Y.

Gia đình anh Nguyễn Viết Hùng, quê Thái Bình vào TP làm ăn hơn 10 năm nay, tâm sự: “Cả nhà tôi đã có sổ KT3 tại quận Tân Bình từ nhiều năm nay, đi làm thủ tục nhập hộ khẩu thì đành bó tay, bởi lẽ khi nhờ chủ nhà ký giấy bảo lãnh thì họ ngại phức tạp về sau nên không đồng ý…”.

Chị Nguyễn Thị Dung, chủ một nhà trọ tại quận 12 giải thích: “Tôi chẳng dại gì mà ký giấy bảo lãnh cho người ngoài nhập hộ khẩu vào nhà mình để rồi sau này khi muốn mua bán nhà hay chia tài sản phải có sự đồng ý của họ là người có tên chung hộ khẩu…”. Tại P8 Q.Tân Bình, một ông già vì thương tình người ở trọ gắn bó tình cảm nhiều năm với gia đình ông nên ông đã đồng ý ký giấy bảo lãnh cho họ nhập hộ khẩu. Nhưng khi con cháu ông biết chuyện và phân tích cho ông rõ phức tạp về sau, thế là sáng hôm sau ông lên công an quận xin rút đơn bảo lãnh.

Trung tá Lê Văn Nhiễu, Đội trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Tân Bình) cho biết: “Địa bàn quận hiện có hơn 110.000 dân nhập cư, trong đó có khoảng 45.000 người có đủ thời hạn lưu trú trên 3 năm có thể nhập hộ khẩu vào TP, thế nhưng rất tiếc đa số không có nhà ở ổn định hoặc không có giấy đồng ý bảo lãnh của chủ nhà nên đành chịu…”. Tại quận 7, nhiều hộ dân sống trong các chung cư cao cấp, tuy đã trả tiền mua nhà xong nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng nên khi đi làm thủ tục nhập hộ khẩu đã bị từ chối! Tại các quận 7, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Tân Bình… hàng ngàn người sống tại các khu quy hoạch “treo” cũng phải buồn bã vì không đăng ký được hộ khẩu. Nhiều người dân nhập cư khác mua nhà bằng giấy tay cũng cùng hoàn cảnh.

Đâu là giải pháp?

Trước những vướng mắc này, Thượng tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TPHCM) khẳng định: “Luật Cư trú đã quy định rõ những trường hợp được và không được phép đăng ký thường trú tại TP, cho nên công an phải “quân lệnh như sơn”, trước mắt cứ theo nội dung luật mà thi hành, còn những vướng mắc sẽ tiếp tục cùng các cấp chính quyền TP bàn bạc tháo gỡ. Sắp tới, khi CATP sơ kết việc thực hiện Luật Cư trú, sẽ kiến nghị điều chỉnh một số vấn đề chưa phù hợp…”.

Việc quản lý nhân hộ khẩu là việc của chính quyền, bởi lẽ muốn quản lý chắc nhân hộ khẩu, kịp thời phân loại các đối tượng về tệ nạn xã hội, tội phạm có lệnh truy nã… thì các ngành chức năng phải nắm rõ quá trình chuyển đổi chỗ ở của họ. Đúng lý thì cán bộ nhân viên ngành chức năng phải đến từng nhà đề nghị người dân đăng ký vào sổ quản lý hộ khẩu chứ không phải để dân phải đi làm các thủ tục giấy tờ rồi phải chạy đôn chạy đáo hết nơi này đến nơi khác để công chứng, chứng thực các loại giấy tờ; phải về quê cắt hộ khẩu rồi đến “xin” công an tại nơi ở mới “cho” nhập hộ khẩu, như thế sẽ không tránh khỏi phiền hà cho dân.

Riêng đối với việc ký giấy bảo lãnh của chủ nhà trọ cho người ở thuê nhà nhập hộ khẩu hoặc việc xác nhận hiện trạng nhà, nên chăng Nhà nước cần quy định một sổ riêng cho người tạm trú để tránh những phức tạp về sau cho chủ nhà, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho người dân đủ điều kiện được nhập hộ khẩu vào TP. Có như thế, Luật Cư trú mới thật sự thông thoáng và đúng với Hiến pháp nước ta: “Người dân Việt Nam có quyền cư trú bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam”. 

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục