Nhưng với đặc thù Việt Nam, không thể vội vàng kết luận rằng xuất siêu là đáng mừng, còn nhập siêu là đáng lo hoặc ngược lại. Kể từ năm 2009 đến nay, mới chỉ có 5 tháng xuất siêu. Ở thời điểm này, sau 1 năm khó khăn đối với nền kinh tế, việc kim ngạch xuất nhập khẩu trở lại với quy mô tương đương những tháng cuối năm 2011 có thể được coi là dấu hiệu phục hồi bước đầu. Mặc dù vậy, khi phân tích cụ thể diễn biến ngoại thương của từng nhóm mặt hàng, các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những nhận định rất đáng lưu ý.
Thứ nhất, tác động từ thị trường thế giới không giống nhau lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, thể hiện qua sự tăng trưởng đột biến ở một số mặt hàng, đồng thời là sự sụt giảm nặng nề ở các nhóm khác. Đơn cử, trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng tới 15,6% so với cùng kỳ; rau quả, hạt điều tăng trên 10%; trà tăng gần 20%. Trong khi đó, tuy cũng là mặt hàng nông sản chủ lực, cà phê lại bị rớt mạnh cả lượng và giá (-20%) so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 48,8% về lượng nhưng lại giảm 6,1% về kim ngạch, cho thấy giá mặt hàng này đang tuột dốc đáng lo ngại.
Đáng lưu ý hơn cả là gạo, với sản lượng xuất khẩu 2 tháng ước giảm tới 46% so với cùng kỳ, còn kim ngạch giảm 43%. Gạo phẩm cấp thấp (25% tấm) của Việt Nam không bán được tấn nào trên thị trường quốc tế do bị “đụng hàng” với gạo giá rẻ của Ấn Độ và Pakistan! Đó là chưa kể lượng lúa chất lượng thấp của nông dân các tỉnh Campuchia giáp biên giới Việt Nam và nông dân Việt Nam sang nước bạn thuê đất trồng lúa cũng đang thu hoạch và đang chuyển về Việt Nam…
Vậy mà, khi trao đổi với báo giới, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết, dù sở đã khuyến cáo, song khi xuống giống lúa vụ đông - xuân 2012, nhiều nông dân ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn thích chọn giống lúa cấp thấp để trồng, chủ yếu do… thói quen(?). Tình trạng giống lúa chất lượng thấp không tìm được đường xuất ngoại đã từng xảy ra hồi cuối năm 2008. Ở thời điểm đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị tồn đọng cả hàng trăm ngàn tấn lúa IR 50404, nông dân không bán lúa được lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con…
Thứ hai, ở chiều nhập khẩu, giới quan sát đặc biệt lưu ý đến việc lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm nhưng giá trị lại tăng mạnh, góp phần “đẩy” kim ngạch nhập khẩu lên cao.
Cụ thể, tổng giá trị xe nhập khẩu trong tháng 2 đạt 196 triệu USD, tăng 55 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, riêng lượng nhập nguyên chiếc là 2.300 xe, giảm 500 xe so với tháng trước nhưng tổng giá trị xe nhập lại tăng 4 triệu USD. Giá trị trung bình mỗi xe nguyên chiếc được nhập trong tháng 2 đạt khoảng 20.000 USD (chưa tính các loại thuế), tăng 5.000 USD (25%) so với mức bình quân của tháng 1.
Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc nhập cảng Việt Nam đạt 5.100 chiếc, tương đương khoảng 88 triệu USD. Có vẻ như túi tiền của các đại gia xài xe nhập loại sang không bị ảnh hưởng nhiều bởi khó khăn chung của nền kinh tế; hoặc là thói quen tiêu dùng của họ không hề thay đổi, bất chấp việc cả xã hội đang nỗ lực tìm cách cắt giảm chi tiêu.
ANH THƯ