Tờ Japan Times ngày 11-10 dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông, bằng cách ghi nhận một tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1960 đã mô tả quần đảo này thuộc lãnh thổ Nhật Bản.
Bằng chứng về chủ quyền
Ông Genba khẳng định lập trường của Nhật Bản rằng Trung Quốc đã bắt đầu đòi chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (đặt dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản từ năm 1895) vào những năm 1970. Điều này cho thấy Bắc Kinh trước đó đã không coi quần đảo này là một phần lãnh thổ của họ. Để chứng minh rõ hơn, ông Genba đã trích dẫn một bức thư đánh giá của Lãnh sự Cộng hòa Trung Hoa lúc bấy giờ tại Nagasaki vào năm 1920 gửi cho một người Nhật Bản, theo đó mô tả quần đảo này là “quần đảo Senkaku thuộc quận Yaeyama, tỉnh Okinawa”.
Theo thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bản đồ thế giới của Trung Quốc cho thấy quần đảo tranh chấp này là một phần của Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc luôn tuyên bố rằng quần đảo Điếu Ngư là một phần của lãnh thổ nước này kể từ thời cổ xưa và rằng Nhật Bản đã “đánh cắp” quần đảo trên từ Trung Quốc vào năm 1895, thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh Trung - Nhật.
Tuyên bố của Nhật Bản được đưa ra sau khi Thư ký quốc hội phụ trách nông, lâm và ngư nghiệp Nhật Bản, ông Eiichiro Washio, đã có các phát biểu dễ gây hiểu lầm liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tại một hội nghị ở Tokyo hôm 9-10, ông Washio cho biết các hòn đảo không người ở này là “lãnh thổ Nhật Bản” nhưng “ai sở hữu chúng cũng không thành vấn đề. Chính phủ Trung Quốc cũng có thể sở hữu”.
Ngay sau phát ngôn trên, phe đối lập đã công kích ông Washio và chính quyền Thủ tướng Yoshihiko Noda, cho rằng ông Washio dường như không hiểu biết gì về pháp luật và không thể hiện rõ lập trường vững chắc. Trong khi đó, nghị sĩ Yamaguchi của Đảng Công minh chỉ trích phát ngôn quá khinh suất và cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy không hề có vai trò lãnh đạo của chính phủ.
Căng thẳng chưa giải tỏa
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một giải pháp khả dĩ nào để giải tỏa căng thẳng Trung-Nhật về Senkaku/Điếu Ngư. Khóa họp lần thứ 67 của ĐHĐ LHQ cuối tháng 9 vừa qua đã được hâm nóng bởi tranh cãi Trung-Nhật.
Thủ tướng Noda khẳng định Senkaku/Điếu Ngư là một phần của lãnh thổ Nhật Bản và nhấn mạnh tuân theo những quy định của luật pháp quốc tế là hết sức quan trọng. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì thì thẳng thừng chỉ trích Nhật Bản đã đánh cắp Senkaku/Điếu Ngư của Trung Quốc.
Trong khi chính phủ 2 nước tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn, người dân 2 nước cũng sôi sục về chuyện tranh chấp lãnh thổ. Điều này được thấy rõ ở Trung Quốc khi nhiều nơi xuất hiện làn sóng bài Nhật Bản.
Ông Li Jianli, 51 tuổi, nằm liệt giường hàng tuần ở bệnh viện sau khi bị chính những người đồng bào đánh vỡ đầu trong cuộc biểu tình chống Nhật tháng 9 chỉ vì lý do lái một chiếc xe hơi Nhật là biểu tượng rõ nhất cho làn sóng chống Tokyo. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đã phải tạm ngừng hoạt động.
Trong một buổi trả lời ngày 10-10, ông Noda nhận định rằng quan hệ kinh tế nguội lạnh giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ gây phương hại cho cả 2 nước. Theo Thủ tướng Nhật Bản, để tránh những ảnh hưởng bất lợi trên, 2 nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới cần tổ chức các cuộc tham vấn.
Mỹ - đồng minh thân cận của Nhật Bản - khẳng định Washington sẽ không đóng vai trò hòa giải, không đứng về bên nào nhưng kêu gọi 2 bên đối thoại và cố gắng kiềm chế. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với ông Genba tại Tokyo hôm 17-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tái khẳng định Washington sẽ tuân thủ hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật: bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, trong đó có Senkaku/Điếu Ngư.
Đỗ Cao (tổng hợp)