Nhật Bản cần Đông Nam Á

Ngày 19-1 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kết thúc chuyến công du 3 nước Đông Nam Á. Quyết định chọn 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Indonesia làm những điểm đến trong chuyến xuất ngoại đầu tiên đã gây bất ngờ cho giới quan sát.

Ngày 19-1 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kết thúc chuyến công du 3 nước Đông Nam Á. Quyết định chọn 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Indonesia làm những điểm đến trong chuyến xuất ngoại đầu tiên đã gây bất ngờ cho giới quan sát.

Phần lớn các nhà phân tích chính trị tin tưởng rằng Mỹ mới là chặng dừng chân đầu tiên của ông Abe vì mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của chính phủ mới ở Nhật Bản là khôi phục mối quan hệ Nhật-Mỹ, vốn đôi chút bị sụt giảm khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) nắm quyền. Theo báo chí nước ngoài, Thủ tướng Abe phải hoãn thăm Mỹ do Tổng thống Mỹ Barack Obama có quá nhiều việc phải giải quyết trước khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Các chuyến thăm Seoul và Bắc Kinh không được ông Abe xem xét vì cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều đang tập trung cho các cuộc chuyển giao quyền lực vào tháng 2 và tháng 3 tới.

Với những lý do trên, chuyến thăm Đông Nam Á của Thủ tướng Nhật dường như là một quyết định thích hợp. Tuy nhiên, theo PGS Bhubhindar Singh của Học viện Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), chuyến thăm của ông Abe mang ý nghĩa sâu xa hơn đó là sự trở lại Đông Nam Á của Nhật Bản. Để đảm bảo vị trí của mình tại Đông Nam Á, Tokyo phải duy trì sự hiện diện về kinh tế, chính trị tại khu vực này thông qua việc xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và các nước thành viên ASEAN nói riêng.

Về mặt kinh tế, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ cung cấp một thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản, giúp đẩy nhanh sự hồi phục của Nhật Bản sau suy thoái kéo dài hàng thập kỷ. Đông Nam Á có nhiều thế mạnh được các tập đoàn Nhật Bản đánh giá cao, đó là cơ sở hạ tầng tốt, lao động có tay nghề cao nhưng giá nhân công lại hợp lý hơn so với Trung Quốc. Vì vậy, kể từ năm 2009, các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư ngày càng nhiều vào khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ tạo thêm cơ hội cho sự hợp tác Đông Á.

Về mặt chính trị, theo ông Robert Dujarric thuộc Học viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Tokyo, Nhật Bản nhận thức được tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực đã bị mất dần so với Trung Quốc. Tokyo muốn bắt tay cùng ASEAN để kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh. Thủ tướng Abe không né tránh khi bày tỏ những lo ngại của ông về sự hiện đại hóa quân sự và cách xử sự của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Nhật Bản tin rằng họ với các nước ASEAN có chung những mối quan ngại về chiến lược liên quan tới Trung Quốc. Ngoài Hoa Đông, Trung Quốc cũng trở nên cứng rắn trong các tuyên bố lãnh thổ trên biển Đông, nơi có ảnh hưởng tới Đông Nam Á. Chiến lược của Nhật Bản là cung cấp sự hỗ trợ về kinh tế, chính trị và an ninh có giới hạn cho Đông Nam Á để giải quyết sự bất ổn hiện nay do những tranh chấp lãnh hải gây ra.

Ngay trước chuyến thăm của ông Abe, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã thăm Myanmar. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng vừa trở về nước ngày 14-1 sau khi công du các nước Philippines, Brunei, Singapore. Ở mỗi chặng dừng chân, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đều cho thấy mong muốn thúc đẩy hợp tác về ngoại giao và kinh tế với các quốc gia thành viên của ASEAN. Nói cách khác, Nhật Bản hiểu rõ tầm quan trọng của Đông Nam Á như thế nào đối với chiến lược của Tokyo. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục