Nhật Bản - Hàn Quốc: Trả đũa không ngừng

Ngày 28-8, quyết định của Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy (còn gọi là danh sách trắng) chính thức có hiệu lực. Sự kiện này được cho là làm sâu sắc thêm những căng thẳng thương mại giữa Tokyo và Seoul.

Một siêu thị ở Hàn Quốc dán biểu ngữ không mua bán hàng hóa của Nhật Bản
Một siêu thị ở Hàn Quốc dán biểu ngữ không mua bán hàng hóa của Nhật Bản

Căng thẳng thương mại gia tăng

Ngay sau khi Nhật Bản tuyên bố quyết định trên, Hàn Quốc đã triệu đại sứ Nhật Bản để phản đối chính thức và yêu cầu đảo ngược lại quyết định về danh sách trắng nói trên.

Trong một cuộc họp ở Seoul, các quan chức Hàn Quốc nhất trí chi 4,12 tỷ USD trong thời gian từ 2020 đến 2022, nhằm ổn định chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa hai nước. Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon cũng kêu gọi Nhật Bản đối thoại để hàn gắn quan hệ giữa hai nước.

Phát biểu tại cuộc họp với các bộ trưởng trong chính phủ Hàn Quốc, Thủ tướng Lee nêu rõ trong khi thúc đẩy đối thoại, Seoul sẽ đồng thời xúc tiến việc khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để khắc phục sự trả đũa kinh tế không công bằng của Nhật Bản.

Hàn Quốc vốn nằm trong danh sách trắng của Nhật Bản (gồm 27 quốc gia) không cần qua các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt của Tokyo khi nhập khẩu từ Nhật Bản hơn 1.100 mặt hàng chiến lược có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Đối với những quốc gia không thuộc danh sách này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ xem xét phê duyệt từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

Quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách trên đã được nội các Nhật Bản thông qua ngày 2-8 vừa qua, gần một tháng sau khi Tokyo áp đặt hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 nguyên liệu công nghệ cao cần thiết đối với các hãng sản xuất chất bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc.

Quan hệ giữa hai bên xấu đi kể từ khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các lao động Hàn Quốc trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản trong Thế chiến II. Đến tháng 7, Tokyo hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao mà Seoul cần để sản xuất chất bán dẫn và màn hình điện tử. Các công ty Nhật bán các sản phẩm cho Hàn Quốc cũng phải xin giấy phép xuất khẩu cho từng hợp đồng, làm dấy lên quan ngại quanh việc kéo dài thời gian cung ứng.

Vàng tăng giá, chứng khoán giảm

Do tâm lý lo ngại những mâu thuẫn mới nhất giữa Tokyo và Seoul, cùng vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc ít có giải pháp hòa hoãn, vàng đã tăng giá trong khi chứng khoán giảm.

Trong phiên giao dịch ngày 28-8, theo CNN, giá vàng giao ngay tăng lên 1.550,20 USD/ounce. Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 3% lên 18,15 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,3% và được giao dịch ở mức 866,04 USD/ounce. Còn giá palladium giao ngay tăng 0,6% lên 1.482,63 USD/ounce. Đây cũng là xu hướng chủ đạo từ đầu năm đến nay, với mức giá đã tăng tới 17%, đem về lợi nhuận cho các nhà đầu tư đổ tiền vào quỹ giao dịch hối đoái hoán đổi. Vàng là một trong những kênh đầu tư được hưởng lợi chính từ sự “hỗn loạn” trên thị trường tài chính toàn cầu.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đều giảm, tại Mỹ chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5% xuống 25.777,9 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt mất 0,3% xuống 2.869,16 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng lùi 0,3% xuống mức 7.826,95 điểm. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 ở London giảm còn 7.071,62 diểm, chỉ số DAX ở Đức giảm 0,5% còn 11.670,50 điểm…

Tin cùng chuyên mục