Chung kết Giải bóng đá Futsal châu Á 2005 lần 7

Nhật Bản – Iran: Thời khắc của sự thật

Chung kết tranh cúp bạc

Thật trùng hợp là một lần nữa, trận chung kết Futsal năm nay vẫn là Iran (ĐKVĐ) và á quân Nhật Bản. Nếu như ở những lần giải trước, con đường tiến đến trận chung kết của đội Iran khá bằng phẳng nhờ vào đẳng cấp vượt trội của họ thì ở lần bảo vệ thành tích vô địch tuyệt đối qua 6 lần tổ chức giải của đội bóng Tây Á này, không khỏi khiến người hâm mộ họ… thót tim!

Trong khi đó, Nhật Bản thắng như chẻ tre từ vòng đấu bảng cho đến trước trận bán kết gặp Kyrgyzstan, họ vẫn được đánh giá cao hơn. Nhưng bất ngờ ở hiệp đấu đầu tiên, họ đã bị dẫn trước 3-1. Tuy vậy, Futsal vốn là môn chơi chỉ cần thời gian tính giờ còn… giây nào thì bàn thắng và cơ hội vẫn sẽ còn dành cho đội bóng biết nỗ lực, thể hiện được đẳng cấp. Hôm 2-6, Nhật Bản đã thực hiện được điều đó sau khi thắng ngược 4-3 trước Iran để bước vào trận chung kết gặp Iran.

  • Những điểm mạnh yếu của hai đội
Nhật Bản – Iran: Thời khắc của sự thật ảnh 1

Đội trưởng Reza (10, Iran) trong trận bán kết thắng Uzbekistan 4-1.

Hội ngộ lần thứ hai trong giải (Nhật Bản thắng Iran 3-1 ở trận vòng đấu bảng giai đoạn một), đôi bên đều quá hiểu rõ nhau cả về con người lẫn chiến thuật. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng Iran của mùa giải năm nay không còn là chính họ của so với 6 lần giải trước. Trẻ trung, kỹ thuật thì Iran có đấy nhưng kinh nghiệm và sự bất ổn là mặt hạn chế của họ. Chính HLV Azeredo đã phải thừa nhận sau trận hòa Thái Lan 3-3 (vòng bảng) rằng cơ hội để đi tiếp của đội bóng ông gần như khép lại. Vậy mà Iran tiếp tục bước vào trận chung kết lần thứ 7. Tuy nhiên, đây là trận chung kết đầu tiên mà họ bị xếp là kèo dưới.

Với đội bóng đến từ xứ sở hoa anh đào Nhật Bản, chiến thắng trước Kyrgyzstan đã chứng minh họ luôn biết cách tìm ra lối thoát trong bối cảnh ngặt nghèo nhất bằng cú lội ngược dòng sau khi bị dẫn trước 3 bàn. Bản lĩnh, đó là thứ vũ khí lợi hại nhất của đội quân HLV Sapo. Sự chắc chắn lúc cần phòng thủ như trận thắng Thái Lan và sẽ tăng tốc khi bị dẫn điểm luôn được các cầu thủ Nhật Bản thực hiện rất tốt. Tóm lại, đây là đội bóng có thể chơi toan tính và hào nhoáng, bóng bẩy tùy vào diễn biến của trận đấu.

  • Sẽ là một cuộc soán ngôi?
Nhật Bản – Iran: Thời khắc của sự thật ảnh 2

Niềm vui của các cầu thủ Nhật Bản sau khi thắng Kyzrgyzstan 4-3 để vào tranh trận  chung kết.

Có thể khẳng định con đường đến với trận chung kết của cả hai có quá nhiều bất ngờ. Nhưng cho đến thời điểm này, Nhật Bản vẫn là đội chiếm ưu thế hơn Iran. Thứ nhất là về mặt tâm lý, họ đã từng thắng đối thủ này 3-1 và luôn nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của chỉ khoảng 20 CĐV Nhật Bản nhưng rất chuyên nghiệp. Sức mạnh của đội Nhật là ở tinh thần chiến đấu cùng 2 cá nhân nổi bật là Kenichiro (10) và Yuki (7). Chắc chắn họ sẽ tiếp tục dùng chiêu phá sức trước khi đẩy cao đội hình tung đòn quyết định như ở lần gặp trước. Trong khi đó, lối chơi của Iran lại có vẻ phụ thuộc nhiều vào phong độ của Vahid (9) cùng chiếc que trái của thủ quân Reza (10).

Nhưng cả hai đã bị các cầu thủ Nhật khóa chặt rất dễ ở trận vòng bảng và nếu tiếp tục thực hiện được điều này, đội Nhật sẽ không khó để truất phế sự thống trị của Iran kể từ khi giải hình thành vào năm 1999. Tóm lại, với nhiều điều bất ngờ thú vị đã xảy ra thì không thể kết luận bất ngờ đã hết. Vì thế, đấy được xem là thời khắc của sự thật.

PHẠM LINH 

Chung kết tranh cúp bạc

14 giờ ngày 4-6 (Nhà thi đấu Phú Thọ) Iraq – Lebanon: Cơ hội cho Lebanon

Thắng Palestine 6-3, Lebanon bước vào trận chung kết tranh cúp Bạc gặp Iraq – đội cũng đã thắng Hong Kong 4-3 ở trận bán kết thứ hai. Với lối đá chắc chắn nhờ tài nghệ của thủ môn Kakhi cùng sự sắc bén của 2 cầu thủ Itani (5) và Chayya, hiện Lebanon đang chiếm ưu thế hơn trước một Iraq vừa thắng vất vả trước Hong Kong.

Dù bóng đá Futsal luôn chứa đựng nhiều bất ngờ thú vị bởi tình thế có thể thay đổi chỉ trong khoảng thời gian tính bằng giây. Nhưng nếu xét về thực lực thì đội hình Lebanon tương đối đồng đều hơn cho dù Iraq cũng có 2 cầu thủ chơi khá tốt là thủ quân Naji (7) và Radi (3). Tuy nhiên, để thắng một Lebanon chắc chắn và hiệu quả ở thời điểm này là hơi khó cho Iraq.

A.Q 

Hai trận bán kết tranh cúp vàng (ngày 2-6)

Nhật Bản - Kyzrgyzstan  4-3
Iran - Uzebekistan  4-1

Được đánh giá cao hơn, nhưng tuyển Nhật Bản đã sớm bị các cầu thủ trẻ Kyzrgyzstan bắt bài bằng lối chơi phòng thủ chặt chẽ. Các cầu thủ Kyzrgyzstan chỉ dâng cao khi nào bóng nằm trong tầm kiểm soát của họ. Với lối chơi này, chỉ trong 19 phút, họ đã ghi 3 bàn thắng vào lưới Nhật Bản. Các bàn thắng đều do Nurjan (7) thực hiện ở các phút 5, 13, 19. Chỉ một phút trước lúc kết thúc hiệp một, Marat (13) tung cú sút tầm cao rút ngắn tỷ số xuống còn 1-3 cho Nhật Bản.

Hiệp hai, trước sự cổ vũ của các CĐV nhà, các cầu thủ Nhật tiếp tục gây sức ép và ghi được 3 bàn để giành chiến thắng chung cuộc 4-3. Ở trận bán kết còn lại, đội Iran dễ dàng thắng Uzbekistan 4-1 để bước vào trận chung kết gặp Nhật Bản.

N.K

Tin cùng chuyên mục