Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ ấn định mức phạt nặng hơn đối với những công ty sử dụng lao động làm quá thời gian quy định. Tokyo đang xem xét việc tăng thêm mức tiền phạt do vi phạm điều khoản nói trên từ mức 300.000 yen (2.841 USD) như hiện tại. Kế hoạch này sẽ được soạn thảo thành dự luật, dự kiến sẽ đệ trình lên kỳ họp thường niên của Quốc hội Nhật Bản diễn ra vào năm sau.
Những động thái mới được đưa ra trong bối cảnh dư luận Nhật Bản lo ngại về tình trạng lao động quá giờ dẫn đến tử vong do làm việc quá sức (còn gọi là hiện tượng karoshi). Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động tại Nhật Bản quy định, người lao động làm việc 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần. Các công ty vẫn có thể cho phép nhân viên làm việc thêm 45 giờ làm thêm/tháng và 360 giờ/năm, nếu họ đạt được thỏa thuận với các công đoàn lao động theo Điều 36 của pháp luật. Tuy nhiên, việc thỏa thuận này đã bị một số công ty Nhật Bản lợi dụng để ép các nhân viên làm thêm quá giờ. Trong tuần này, tại công ty Dentsu đã xảy ra vụ tự tử của một nhân viên nữ được cho là có liên quan đến việc làm quá giờ.
Theo quy định lao động của Dentsu, nhân viên làm việc không quá 70 giờ trong một tháng. Nhưng theo điều tra của các nhà chức trách Nhật Bản, Dentsu đã ép người lao động làm việc hơn 100 giờ/tháng. Công ty cũng đã thừa nhận ít nhất 2 trường hợp làm việc quá sức từ những năm 1990. Nhân viên nữ tự tử tại Dentsu đã làm thêm hơn 100 giờ/tháng, nhưng bị buộc phải báo cáo làm thêm giờ dưới mức trần của Dentsu là 70 giờ/tháng vào thời điểm đó.
Nhiều năm qua, trong các công ty Nhật Bản, làm việc ngoài giờ là một phong trào hiển nhiên. Mặc dù luật pháp không bắt buộc, nhưng do công việc quá nhiều, nhiều người chung quanh đều ở lại làm thêm giờ, nên người lao động tự cảm thấy có trách nhiệm và đành chấp nhận làm thêm. Có khoảng 22% người lao động Nhật làm thêm 49 giờ mỗi tuần, cao hơn nhiều so với ở Pháp 8%, ở Mỹ 11%.
Theo các luật sư và chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Nhật thường áp dụng chiêu “mồi câu và lật lọng” đối với người lao động. Các công ty này đăng quảng cáo tuyển dụng nhân viên chính thức với thời gian làm việc hợp lý, nhưng sau đó ép người lao động ký hợp đồng tạm bợ. Các công ty này nói với nhân viên mới rằng lương của họ bao gồm 80 giờ làm thêm mỗi tháng, và họ phải trả lại tiền nếu làm việc ít hơn số giờ đó. Việc thực thi luật lao động thiếu hiệu quả đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Nhật ép người lao động làm việc đến kiệt sức, dẫn tới những hậu quả đau lòng. Mỗi năm ở Nhật Bản có nhiều ca tử vong do đột quỵ, đau tim và tự sát xuất phát từ hoàn cảnh làm việc quá sức, kèm theo đó là một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, các vụ kiện và lời kêu gọi giải quyết thực trạng.
Theo số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản, số vụ kiện đòi bồi thường vì karoshi tăng lên mức kỷ lục, 1.456 vụ từ tháng 3-2014 đến tháng 3-2015. Hầu hết vụ việc tập trung trong các lĩnh vực y tế, dịch vụ xã hội, vận chuyển và xây dựng - những ngành luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Thực trạng báo động trên cho thấy, việc siết chặt những quy định lao động mới thật sự rất cần thiết trong xã hội Nhật hiện nay.
THANH HẰNG