Nhật Bản: Nghề làm kimono sẽ bị thất truyền?

Nhật Bản: Nghề làm kimono sẽ bị thất truyền?

Ngành công nghiệp kimono từng rất được coi trọng tại Nhật Bản, vì đã tạo ra một biểu tượng văn hóa nổi tiếng trên thế giới đang thật sự bước vào giai đoạn khủng hoảng do có nguy cơ thất truyền chỉ trong vài năm tới.

  • Thiếu hụt lực lượng kế thừa
Thiếu nữ Nhật trong trang phục kimono

Thiếu nữ Nhật trong trang phục kimono

Nghệ nhân Yasutaka Komiya, 84 tuổi, từ tốn vuốt từng miếng lụa nhiều màu sắc đang trải dưới sàn nhà nói: “Tôi đã bắt đầu học cách nhuộm vải kimono từ khi mới 12 tuổi. Cách đây vài trăm năm, có hàng ngàn người làm nghề giống tôi. Nhưng ngày nay, chúng tôi là một trong 3 gia đình duy nhất ở Nhật Bản có khả năng nhuộm vải kimono”.

Ông Soichi Sajiki, người sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống, thì ngậm ngùi cho rằng đến giờ vẫn chưa thể tìm ra những nghệ nhân trẻ có tâm huyết thật sự đối với một công việc đòi hỏi sự say mê, tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết này. 

Kimono từng là bộ trang phục được ưa chuộng của các samurai, tầng lớp quý tộc và cả người dân lao động. Nhưng giờ đây những thế hệ thanh niên Nhật lại đang quay lưng với trang phục truyền thống này vì họ yêu thích sử dụng trang phục Âu hơn.

Ngay cả các sự kiện trang trọng chính thức cần tới kimono, người Nhật cũng không dùng trang phục thủ công mà sử dụng những bộ quần áo sản xuất đại trà, vốn có giá rẻ hơn nhiều so với kimono thủ công. Trang phục kimono hiện đang có mức giá cao từ 180.000 - 1 triệu yen (2.240 - 12.400 USD).

Ở Tokyo, từ 217 cửa hàng bán trong những năm 1980, con số này hiện chỉ còn 24. Thậm chí ở cố đô Kyoto nổi tiếng với ngành nghề này cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi chỉ còn 64 nghệ nhân làm trang phục kimono.

  • Tìm giải pháp

Trước báo động về nguy cơ thất truyền một ngành nghề lâu đời, một số nghệ nhân đã tự tìm kiếm giải pháp mà không trông chờ sự hỗ trợ của chính phủ. Nghệ nhân Sajiki là một ví dụ. Ông đã tự đứng ra vận động những nghệ nhân khác cùng lập kế hoạch tổ chức những tuần lễ Kimono trong năm nhằm cứu vãn ngành sản xuất kimono thủ công, kêu gọi thế hệ trẻ trân trọng trang phục truyền thống.

Bên cạnh đó là kế hoạch khuyến khích các nghệ nhân trong nước tìm kiếm khách hàng ở nước ngoài. Còn nghệ nhân Yasumasa thì cho rằng cách tốt nhất để bảo vệ bộ trang phục truyền thống là phổ biến những kỹ năng làm kimono thủ công, vốn là bí mật gia truyền.

Ông Yasumasa nói: “Điểm quan trọng là ngành công nghiệp kimono phải phát triển và hiện đại hóa để có thể sống sót. Nghề thủ công truyền thống thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng trong tương lai chuyện này sẽ không thể diễn ra như vậy được nữa”

Thiếu nữ Nhật trong trang phục kimono.

Thiếu nữ Nhật trong trang phục kimono.

THANH HẰNG
(theo Telegraph, Japan Times)

Kimono là tác phẩm nghệ thuật thủ công công phu, tỉ mẩn từ khâu chọn vải, kết hợp màu sắc, trang trí hoa văn và lựa chọn các phụ kiện đi cùng. Thiết kế của một bộ kimono gồm 8 mảnh ghép với nhau, cho phép điều chỉnh kích cỡ phù hợp với người mặc. Kimono được may bằng vải dệt từ các nguyên liệu tự nhiên như vải lanh, bông, lụa. Đây là một chiếc áo choàng được giữ cố định bằng một vành khăn rộng cuốn chặt vào người cùng với một số dây đai và dây buộc, ống tay áo dài và rộng. Kimono của nam giới có vành khăn đơn giản và hẹp. Áo kimono cho phụ nữ thường có các họa tiết hoa, lá và các biểu tượng thiên nhiên khác, phản ánh tình yêu thiên nhiên của người Nhật Bản

Tin cùng chuyên mục