Ngày 6-5, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) đã tái khởi động lò phản ứng hạt nhân tái sinh nhanh Monju ở tỉnh Fukui, sau hơn 14 năm lò phản ứng này phải ngừng hoạt động do sự cố rò rỉ hệ thống làm lạnh và gây cháy.
Các thanh ngăn cản phản ứng hạt nhân đã được dỡ bỏ sáng 6-5 để khởi động lò phản ứng Monju. Theo dự kiến, ngày 8-5 tới, lò phản ứng này sẽ đạt điểm tới hạn, tức là khi đó phản ứng hạt nhân dây chuyền có thể tự duy trì. Sau đó, lò phản ứng sẽ dần dần tăng sản lượng phát điện và sẽ hoạt động ở công suất tối đa vào mùa Xuân năm 2013.
Được xây dựng từ tháng 10-1985, lò phản ứng hạt nhân Môngiu bị đóng cửa vào tháng 12-1995 sau khi đường ống dẫn chất natri làm lạnh bị vỡ do ảnh hưởng của động đất và khiến 640kg natri bị rò rỉ và tiếp xúc với không khí, gây phản ứng với khí ôxy và không khí ẩm. Tuy nhiên, may mắn là khối lượng natri bị rỏ rỉ không gây nhiễm xạ vì tai nạn xảy ra tại hệ thống làm lạnh phụ của nhà máy.
Năm 2000, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tái khởi động lò phản ứng này. Tuy nhiên, quyết định trên đã dẫn tới các cuộc chiến pháp lý do sự phản đối từ phía người dân lo ngại về độ an toàn của nhà máy. Tháng 5-2005, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã cho phép tái khởi động lò phản ứng này. Tháng 1 vừa qua, JAEA đã hoàn tất kiểm tra độ an toàn của nhà máy và sau đó, vào tháng 3, Ủy ban An toàn Hạt nhân của Chính phủ ra quyết định cho phép tái khởi động nhà máy. Vào cuối tháng 4, Thống đốc tỉnh Fukui đã ra quyết định tương tự.
Monju là lò phản ứng hạt nhân thứ 2 ở Nhật Bản sử dụng công nghệ phản ứng tái sinh nhanh (fast-breeder) và là lò phản ứng thứ 4 trên thế giới đang sử dụng công nghệ này. Không giống các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ thông thường khác sử dụng uranium, lò phản ứng tái sinh nhanh (fast-breeder) sử dụng hỗn hợp ôxít của plutonium và uranium và được thiết kế để tạo ra nhiều plutonium hơn so với lượng plutonium mà nó đốt cháy. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu hoàn tất phát triển lò phản ứng tái sinh nhanh sử dụng cho mục đích thương mại vào khoảng năm 2050.
TTX