Nhật Bản vẫn cần điện hạt nhân

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 8-6 đã kêu gọi khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ohi, đồng thời cho rằng việc này là an toàn và cần thiết đối với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Nhật Bản vẫn cần điện hạt nhân

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 8-6 đã kêu gọi khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ohi, đồng thời cho rằng việc này là an toàn và cần thiết đối với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Mọi thứ ngưng trệ nếu thiếu điện

Hiện tại, tất cả 50 lò phản ứng hạt nhân thương mại của Nhật Bản đang ngừng hoạt động kể từ sau cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima do động đất và sóng thần tháng 3-2011. Nhà máy Ohi cấp điện cho phần lớn khu vực đô thị ở khu vực Kansai thuộc miền Tây Nhật Bản. Theo NHK, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Tỉnh trưởng tỉnh Fukui, ông Nishikawa Issei, đồng ý cho phép khởi động lại nhà máy vì cho rằng, tình trạng cắt điện luân phiên sẽ không tránh khỏi trong mùa hè này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Noda nói: “Nếu chúng ta kết thúc phát điện hạt nhân, mọi thứ sẽ ngưng trệ”. Ông Noda đảm bảo với công chúng rằng lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân Ohi an toàn, ngay cả khi có xảy ra động đất lớn hay sóng thần. Ông Nishikawa trước đó đã yêu cầu Thủ tướng trực tiếp kêu gọi sự chấp thuận của người dân. Tỉnh trưởng Fukui sẽ thông qua việc khởi động lại nhà máy này vào tuần tới.

Theo Công ty điện lực Kansai (Kepco), đơn vị quản lý nhà máy điện hạt nhân Ohi, phải mất ít nhất 6 tuần, 2 lò phản ứng trên mới đạt công suất tối đa. Kepco cho biết thêm, nhà máy điện hạt nhân Ohi có thể chịu đựng động đất mạnh hơn 1,8 lần so với tiêu chuẩn yêu cầu và có thể chịu đựng sóng thần cao 11,4m.

Vụ tai nạn tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn ám ảnh người dân Nhật Bản.

Vụ tai nạn tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn ám ảnh người dân Nhật Bản.

Cần kế hoạch lâu dài

Quyết định tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Ohi diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản thiếu điện nghiêm trọng vào mùa hè. Tình trạng thiếu điện có thể đã vượt xa nỗi lo ngại về an toàn hạt nhân khi mà kết quả điều tra cuối cùng về sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima cũng như một kế hoạch chi tiết về nguồn năng lượng mới thay thế điện hạt nhân vẫn chưa có. Hãng tin Bloomberg ví rằng tình trạng an toàn hạt nhân của Nhật Bản hiện nay giống với tình trạng thiếu cơ chế rõ ràng cho các ngân hàng. Do thiếu cơ chế, Nhật Bản và một số nước khác chỉ lo cứu các ngân hàng yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng ngân hàng 1997-1998 và 2007-2009. Tương tự, Nhật Bản chưa có cơ chế rõ ràng để xử lý khi xảy ra thảm họa hạt nhân, trong đó chỉ riêng việc sơ tán dân như thế nào cũng là một vấn đề lớn. 

Theo Jeff Kingston, giám đốc Cơ quan nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple, Tokyo, việc Nhật Bản tái khởi động các lò phản ứng điện hạt nhân cho thấy họ chưa thật sự thuyết phục được dân chúng về độ an toàn của điện hạt nhân và tình trạng thiếu điện trong mùa hè ở Nhật Bản nghiêm trọng hơn đánh giá ban đầu. Bất chấp sự phản đối của nhiều nghị sĩ đảng đối lập, Chính phủ của ông Noda không còn cách nào hơn ngoài việc phải tuyên bố mở lại cầu dao ở nhà máy Ohi.

Thiếu điện cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đình trệ sản xuất trong bối cảnh Nhật Bản đang ra sức phục hồi nền kinh tế sau thảm họa động đất sóng thần. Nhiều nhà máy của Nhật Bản đã tính đến phương án di dời ra nước ngoài vì thiếu điện. Thủ tướng Noda thừa nhận: “Một nước nghèo tài nguyên phải phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu thì điện hạt nhân vẫn là nguồn năng lượng quan trọng”. Điện hạt nhân hiện đóng góp 1/3 vào tổng sản lượng điện của đất nước Mặt trời mọc. Phần lớn khu vực công nghiệp quan trọng Kansai phụ thuộc vào nhà máy điện hạt nhân Ohi. Nếu không có điện từ nhà máy này, riêng thành phố Osaka trong mùa hè thiếu 18% lượng điện cần thiết.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục