Trong chiếc áo choàng truyền thống, Nhật hoàng Akihito, 85 tuổi, tiến vào chính điện của Đền thờ Kashikodokoro để báo cáo về việc nghỉ hưu của mình với các vị thần. Chỉ một phần của nghi lễ tại đền thờ được công bố trên truyền thông. Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe, đại diện cho công chúng, đã bày tỏ những lời biết ơn.
Nghi lễ thoái vị chính thức của Nhật hoàng Akihito bắt đầu lúc 15 giờ (giờ Việt Nam) tại Hoàng cung Nhật Bản. Buổi lễ này, được gọi là Taiirei Seiden Nogi (nghi lễ thoái vị của Hoàng đế), diễn ra tại phòng Matsu no Ma trong hoàng cung. Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko bước vào phòng làm lễ trong 10 phút, 330 nhân vật quan trọng khác cũng có mặt ở buổi lễ này. Trong bài phát biểu cuối cùng trong tư cách nhà vua, Nhật hoàng Akihito cảm ơn công chúng và cầu nguyện cho hòa bình. Sau đó, Nhật hoàng Akihito tuyên bố nghỉ hưu trước các thành viên khác của hoàng gia và các quan chức chính phủ hàng đầu.
Vài giờ trước lễ thoái vị, nhiều người đã tập trung bên ngoài cung điện bất chấp thời tiết ẩm ướt và lạnh lẽo bất thường và dù họ không được phép nhìn vào bên trong. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Nhật hoàng và Hoàng hậu, kể từ khi ngài lên ngôi năm 1989 cho đến nay, tình hữu nghị giữa Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới ngày càng được tăng cường, tạo ra môi trường hòa bình cho đất nước phát triển. Và nhờ vậy, người dân nước này được sống trong hòa bình theo đúng như ý nghĩa của niên hiệu trong thời kỳ này là Heisei (Bình Thành), có nghĩa là đạt được hòa bình.
Dự kiến, Hoàng Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi Hoàng đế vào ngày 1-5, với niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa). Nhân dịp này, Giáo sư Ryo Ikebe của Đại học Senshu, Nhật Bản, khẳng định sự kiện có thể sẽ góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này. Giáo sư Ryo Ikebe tin tưởng rằng việc đón triều đại mới sẽ giúp tỷ lệ kết hôn và sinh con của người dân Nhật Bản tăng lên. Tiêu dùng cá nhân sẽ tăng, đồng thời các doanh nghiệp cũng sẽ đưa ra những dịch vụ, sản phẩm chúc mừng niên hiệu mới, góp phần kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế. Về chính sách đối ngoại của Nhật Bản, giáo sư Ikebe nêu rõ Nhật hoàng là biểu tượng của người dân Nhật Bản, hoàn toàn tách biệt với chính trị. Do đó, dù Nhật hoàng mới lên ngôi, ngoại giao hay chính trị của Nhật Bản sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào. Tuy nhiên, ông hy vọng rằng Nhật hoàng Lệnh Hòa sẽ tiếp bước Nhật hoàng Bình Thành đi tới thăm các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.