Nhật khuyến khích phụ nữ làm việc

Ngày 19-4 vừa qua, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thông báo kế hoạch mở rộng thêm các cơ sở chăm sóc và giữ trẻ công như một cách tạo điều kiện giúp phụ nữ dễ dàng vượt qua rào cản từ gia đình để tham gia vào lực lượng lao động. Đây là tin vui đối với phụ nữ Nhật, những người theo các chuyên gia kinh tế có thể cứu nước Nhật.

Báo Japan Times ngày 21-4 nhận định kế hoạch này là chiến lược phát triển nền kinh tế hiệu quả nhất sau một thời gian dài phụ nữ được đánh giá có vai trò không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nếu ở nước Đức, Thủ tướng Merkel mở rộng các nhà trẻ để phụ nữ chịu sinh con, thì ở Nhật, nhà trẻ sẽ giúp phụ nữ có thời gian tham gia lực lượng lao động. Báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với nhan đề Phụ nữ có thể cứu Nhật Bản? cũng nhận định rằng sự tham gia của phụ nữ Nhật vào lực lượng lao động ngày càng tăng sẽ giúp Nhật Bản giải quyết phần nào cuộc khủng hoảng lực lượng lao động do dân số giảm.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng phụ nữ Nhật vẫn còn nhiều rào cản cần phải vượt qua. Lực lượng lao động nữ hiện nay chỉ bằng 25% lực lượng lao động nam giới và các công ty Nhật Bản đang cố gắng níu giữ chân lao động nữ -  một đối tượng mà họ đã đánh mất trong thời gian dài.

Tuy nhiên ở Nhật Bản, 74% phụ nữ học đại học tự nguyện thôi việc, gấp đôi tỷ lệ ở Mỹ (31%). Tỷ lệ phụ nữ rời bỏ công việc ở tuổi 30 cũng cao hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Phụ nữ Nhật được khuyến khích chỉ chọn một trong hai: sự nghiệp hoặc chăm sóc gia đình. Theo đuổi cả hai là việc cực khó. Theo thống kê, 70% phụ nữ Nhật thôi việc ngay sau khi sinh đứa con đầu tiên. Họ gặp nhiều khó khăn trong vòng quay với công việc sau đó.

Tại nơi làm việc, phụ nữ bị đối xử phân biệt, nhận được ít hơn 27% mức lương so với nam giới. Trong khi tỷ lệ này ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) là 14%. Mặt khác, họ cũng không muốn quay lại lực lượng lao động sau khi sinh con vì họ đã nhận được trợ cấp nuôi con đầy đủ từ chính phủ.

Các chính sách thuế của chính phủ cũng có vấn đề, vì chỉ khuyến khích phụ nữ có gia đình vào công việc bán thời gian thay vì toàn thời gian. Nếu thu nhập hàng năm của hộ gia đình có cả vợ lẫn chồng đi làm toàn thời gian vượt 1.030.000 yên, họ sẽ bị đánh thuế. Ngoài ra, sự thiếu hụt các cơ sở giữ trẻ và đội ngũ điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi cũng khiến phụ nữ không thể tham gia toàn thời gian vào công việc vì họ nghĩ mình phải có những trách nhiệm này.

Tất cả những yếu tố đó dẫn đến 2 thực trạng. Thứ nhất, những phụ nữ có con sẽ không thể đi làm. Thứ hai, những phụ nữ đang làm việc sẽ không sinh con. Cả 2 thực trạng đó đều đáng sợ đối với tương lai của Nhật Bản. Tại những nước công nghiệp tiên tiến khác, các chính sách hợp tác thân thiện giữa chính phủ và gia đình đã tỏ ra có hiệu quả hơn khi tập trung khai thác tiềm năng của phụ nữ bằng cách cho họ nhận được sự công bằng so với nam giới.

Trong một nghiên cứu đột phá về vai trò của phụ nữ đối với kinh tế Nhật Bản, Kathy Matsui, một nhà kinh tế người Mỹ gốc Nhật, nói rằng: “Chính phủ nên coi việc khuyến khích các bà mẹ tiếp tục hoặc trở lại làm việc là “ưu tiên quốc gia”. Việc đó có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản tăng thêm 15%”.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục