Nhật ký hát cùng quân dân Trường Sa

Chiều 20-3…
Nhật ký hát cùng quân dân Trường Sa

Sau 3 ngày 2 đêm hải hành, đoàn công tác của TPHCM mới đặt chân lên đảo Song Tử Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Sóng biển lớn, thời tiết xấu, khiến ai cũng phờ phạc khi liên tục phải… “hò sông Hậu”. Thế nhưng đêm giao lưu văn nghệ đầu tiên (cũng là đêm duy nhất trong chuyến đi) trên đảo vẫn diễn ra rất sôi động bởi tiếng hát đồng lòng cùng quân dân trên đảo. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với những người nghệ sĩ vượt sóng ra khơi để đến với quân dân biển, đảo quê hương.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (thứ 4 từ trái sang) hát cùng quân và dân trên đảo Song Tử Tây.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (thứ 4 từ trái sang) hát cùng quân và dân trên đảo Song Tử Tây.

Chiều 20-3…

Xế chiều, ngay sau tàu thả neo, mọi người đặt chân lên đảo, ai cũng thấm mệt sau những ngày lênh đênh trên biển với biển động, gió giật cấp 6. Nhóm nghệ sĩ thuộc nhà hát Trần Hữu Trang (TPHCM) mỗi người mỗi việc cùng với các chiến sĩ trên đảo bắt tay vào dựng sân khấu ngay cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Hồ Ngọc Dương, người dân trên đảo háo hức cùng một nhóm trẻ con trên đảo đến xem từ lúc đoàn dựng sân khấu. Anh nói, văn nghệ là món ăn tinh thần lớn nhất của quân và dân trên đảo. Nghe và xem hát có thể từ ti vi đầu máy phát cả ngày nhưng được nghe chính các nghệ sĩ vượt sóng gió từ đất liền ra đây hát thì có cảm giác như hơi ấm tình cảm từ đất liền đang lan tỏa khắp đảo. Câu nói của anh Dương cũng như sự mong đợi của cán bộ chiến sĩ đã giúp chúng tôi quên hết mệt nhọc của những ngày trên tàu với “biển một bên và xô một bên”, chỉ mong sao sớm dựng xong sân khấu, để được hát cùng các anh…

Sau bữa cơm chiều, các chiến sĩ và người dân trên đảo tập trung về sân vận động trung tâm để thưởng thức bữa tiệc tinh thần mà đoàn TPHCM mang đến. Bên cạnh khu luyện tập của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, ở một góc sân vận động chị Nguyễn Thị Chí, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Song Tử Tây, cũng đang tất bật luyện tập các bài hát cho chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi để chuẩn bị cho đêm giao lưu. Số lượng tiết mục đăng ký hát tăng đột biến do nhiều người đăng ký thêm, nhất là các bài hát ca ngợi về biển đảo, chiến sĩ Trường Sa được rất nhiều người chọn.

Thượng úy Thái Đàm Hồng hào hứng, tự tin: “Hát là sở trường của lính đảo chúng tôi. Ở đây ai cũng biết hát và hay hát. Bởi với lính đảo, ca hát ngoài là sở thích còn là hoạt động thường xuyên của đơn vị. Hàng ngày, sau thời gian huấn luyện, chúng tôi thường hát cho nhau nghe những bài ca về biển đảo, về quê hương. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ động viên nhau vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Tối 20-3…

Ca sĩ song ca cùng lính đảo.

Ca sĩ song ca cùng lính đảo.

Ca sĩ Bảo Phương mở đầu buổi giao lưu bằng bài hát “Như khúc tình ca” sôi động khiến hàng loạt chiến sĩ trẻ chạy ùa lên sân khấu để nhảy theo điệu nhạc của bài hát. Chiến sĩ trẻ Lê Ngọc Anh, sinh năm 1992, đã chạy thẳng về phòng mình rút những bông hoa giấy ngay giường của mình ra tặng. Bảo Phương làm một lúc 2 bài, trong khi đó chỉ vài tiếng đồng hồ trước đó, cô ca sĩ trẻ này vẫn còn nằm bẹp vì say sóng.

“Em không hiểu vì sao mình lại hát bốc đến thế. Được hát và cùng hát với các chiến sĩ Trường Sa đã khiến cho em quên hết cơn say sóng. Sẽ không bao giờ em quên được kỷ niệm của ngày hôm nay” - Bảo Phương nói. Tiếp đến các chị phụ nữ và trẻ em trên đảo lại đệm vào khúc quân ca Trường Sa hoành tráng. Rồi đến những bài ca vọng cổ của miền sông nước Nam bộ nghe du dương, đằm thắm của Phi Nhung và thượng tá Tô Danh Út, Chính ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng TPHCM, thành viên của đoàn công tác. Không ai nghĩ những nghệ sĩ tuổi đời còn rất trẻ, tinh nghịch hay những sĩ quan lúc nào cũng trang nghiêm với bộ quân phục lại khi nhập vai trên sân khấu một cách dịu dàng, duyên dáng, ca tài tử “mùi” đến mức không ít người phải khóc sụt sịt.

Một hình ảnh hiếm khi thấy trên sân khấu ở đất liền, các đồng chí lãnh đạo cao cấp cũng lần lượt bước lên sân khấu để cùng đồng ca với quân và dân trên đảo. Chị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM khởi xướng bài “Mùa xuân trên TPHCM”, bất ngờ trưởng đoàn Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân cùng các thành viên trong đoàn công tác đều bước lên sân khấu hát cùng quân dân trên đảo.

Ngày 22-3…

Rời Song Tử Tây, sau hơn 1 đêm hành quân, bình minh lên cũng là lúc đoàn công tác đặt chân đến đảo Sinh Tồn. Hòn đảo đẹp và thơ mộng. Vì thời gian thăm đảo rất ngắn nên ngay khi đặt chân lên đảo, cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo đã chờ đoàn ngay ở cổng chính, cũng là nơi đặt cột mốc khẳng định chủ quyền Việt Nam. Không sân khấu hoành tráng, chỉ một chiếc loa “tiện lợi” mang theo, cả khách cùng chủ cùng nhau cất tiếng ca về người lính, về biển đảo, về quê hương…

Tiếng vỗ tay bắt nhịp át cả tiếng đàn ghi ta. Không khí vui như ngày hội. Chúng tôi rời đảo Sinh Tồn để hành quân về đảo Đá Tây. Đây là đảo san hô chìm nên khuôn viên khá chật hẹp, chúng tôi phải dồn vào chính phòng ngủ của các chiến sĩ để hát. Không loa, chỉ tiếng ghi ta bập bùng cùng sóng biển cuốn theo nhưng những câu hát, điệu nhảy cứ bồng bềnh theo con sóng như muốn gửi những tâm tư, tình cảm của chiến sĩ gửi vào đất liền.

Ngày 24-3…

Đến với quần đảo Trường Sa, ai cũng mong và háo hức được đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn - huyện lỵ của huyện đảo Trường Sa. Thế nhưng may mắn không đến được với chúng tôi. Sóng to, gió lớn, mưa giăng mù trời. 10 giờ 30 tàu thả neo cách cầu cảng đảo Trường Sa gần 1km dự kiến để các đại biểu đi xuồng vào đảo. Nhưng rồi, chờ đến 12 giờ, rồi 14 giờ… Sóng quá to, không thể vào đảo được vì rất nguy hiểm đến tính mạng. Các thành viên trong đoàn chỉ còn cách kéo lên mặt boong để được một lần nhìn thấy đảo Trường Sa, chủ quyền thiêng liêng Việt Nam, trong mưa. Trưởng đoàn Nguyễn Thị Thu Hà quyết định, bằng mọi cách cũng vào thăm quân dân cho được. Các thành viên khác ở lại tàu. Cứ 1 xuồng chở người, 2 xuồng cứu hộ đi bám theo để hỗ trợ khi xuồng không may bị lật. Chúng tôi trên tàu hồi hộp, khắc khoải chờ thông tin của đoàn. Bao nhiêu hy vọng được hát cho chiến sĩ trên đảo Trường Sa vậy là công cốc. Mọi người về phòng cầu nguyện cho đoàn trở lại tàu an toàn.

Đang lo lắng, bỗng chuông điện thoại của ca sĩ Linh Lan reo lên. Hồi hộp vì chưa biết số điện thoại của ai thì đầu dây bên kia tự giới thiệu: “Anh là nhà báo đi cùng đoàn với em đây. Anh đã sang được đảo Trường Sa, cán bộ chiến sĩ ở đây rất muốn mọi người hát tặng một vài bài. Anh đang mở loa ngoài, em cứ hát đi nhé”. Không ai bảo ai, chúng tôi đồng thanh hát “Khúc quân ca Trường Sa”, rồi “Gần lắm Trường Sa”… trên tàu hát, ngoài đảo vỗ tay và hát cùng, cảm giác của chúng tôi cũng không khác gì đang ở trên sân khấu được hát cho chiến sĩ nghe.

Cuối cùng, đoàn công tác cũng trở lại tàu an toàn. Nhưng vừa nhổ neo, chuông điện thoại của Linh Lan lại vang lên và các lính đảo lại hát. Chúng tôi cũng hát. Hát cuồng nhiệt, hát cho đến khi sóng điện thoại hết vẫn còn tiếc nuối…

Nguyễn Trà

Tin cùng chuyên mục