Nhật - Trung không muốn gia tăng căng thẳng

Gợi lại sự kiện gây căng thẳng
Nhật - Trung không muốn gia tăng căng thẳng

THX tối 3-2 đưa tin Nhật Bản đã trả tự do cho thuyền trưởng và các thuyền viên của một tàu cá Trung Quốc bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ ngày 2-2 do hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Theo giới phân tích, trong bối cảnh Nhật - Trung căng thẳng thời gian qua do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo phía Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi Điếu Ngư, động thái của Nhật Bản là hết sức cần thiết.

Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đuổi theo tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ngày 2-2.

Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đuổi theo tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ngày 2-2.

Gợi lại sự kiện gây căng thẳng

Chiếc tàu cá Qiong Yang Pu F8139 đã rời một hải cảng ở đảo Miyako, tỉnh Okinawa vào lúc 21giờ 30 (giờ địa phương) sau khi Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Fukuoka (Nhật Bản) bảo lãnh.

Diễn biến vụ bắt giữ trong ngày 2-2 khá căng thẳng. Tờ Japan Times của Nhật Bản cho biết thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc Xue Changlong, 63 tuổi, đã thừa nhận với cơ quan chức năng Nhật Bản rằng tàu của ông đã hoạt động tại vùng biển cách đảo Miyako ở tỉnh Okinawa khoảng 46 km về phía Đông Bắc mà chưa được sự cho phép từ phía Nhật Bản. Khi bị phát hiện, tàu cá trên không tuân thủ yêu cầu dừng lại mà cố tình chạy trốn. Vụ đuổi bắt trên biển chỉ chấm dứt khi các nhân viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản nhảy lên boong tàu cá, kiểm soát tình hình.

Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm vùng phía Nam đảo Okinawa, đơn vị quản lý quần đảo  Senkaku/Điếu Ngư. Trước 700 sĩ quan, binh sĩ Nhật Bản, Thủ tướng Abe tuyên bố “kiên quyết bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, lãnh thổ, không phận và lãnh hải quốc gia”. Hãng AFP nhận định, với tuyên bố này, ông Abe đã cho thấy quyết tâm không lùi bước trước bất kỳ đe dọa nào đối với chủ quyền của Nhật Bản, trong bối cảnh tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vẫn còn đang căng thẳng.

Trong khi đó, tờ SCMP của Hồng Công ngày 3-2 đã nhận định việc Nhật Bản bắt giữ tàu cá Trung Quốc với thủy thủ đoàn 13 người có thể khiến quan hệ 2 nước trở nên căng thẳng hơn. Theo tờ báo trên, vụ bắt giữ đã gợi nhớ lại vụ Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng tháng 9-2010, sau khi chiếc tàu đánh cá của ông này đâm vào 2 tàu tuần tra của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sự kiện trên đã làm nổ ra vụ tranh cãi lớn nhất giữa 2 nước trong nhiều năm qua, dẫn tới tình trạng đóng băng trong trao đổi chính trị và xuất khẩu đất hiếm.

Những chuyến thăm xoa dịu

Giới phân tích cho rằng vụ thả tàu cá của Trung Quốc được xem như là một tín hiệu nữa cho thấy Nhật - Trung không muốn gia tăng căng thẳng và có thể hướng tới làm “tan băng” mối quan hệ giữa 2 nước thời gian qua. Trước đó là một loạt chuyến thăm Trung Quốc không chính thức từ phía Nhật Bản.

Trước hết phải nói tới chuyến thăm Trung Quốc của cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama hồi trung tuần tháng 1-2013. Ông Hatoyama đã bày tỏ mong muốn hòa bình cũng như cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tiếp đó, ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch đảng New Komeito, một đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản, thăm Trung Quốc mang theo bức thư của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, đề nghị nguyên thủ hai bên tiến hành cuộc gặp chính thức nhằm phá vỡ tình trạng bế tắc hiện nay giữa hai nước. Mới nhất, cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama, vị Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên xin lỗi nhân dân Trung Quốc và nhân dân châu Á về những tội ác chiến tranh của quân phiệt Nhật Bản, đã tới Trung Quốc theo lời mời của Bắc Kinh với hy vọng hàn gắn quan hệ song phương. Theo giới phân tích, một loạt cuộc tiếp xúc cấp cao phi chính thức nói trên tuy chưa thể khiến mối quan hệ Nhật - Trung có thể trở lại quỹ đạo trước đây, song rõ ràng tốt hơn rất nhiều so với sự công kích lẫn nhau.

Quan hệ Nhật - Trung xấu đi đã khiến quan hệ kinh tế song phương chịu những tổn thất lớn. Theo một số thông tin từ báo chí Nhật Bản, số du khách Trung Quốc tới Nhật Bản đã bắt đầu giảm mạnh từ mùa thu năm ngoái, khiến ngành du lịch và khách sạn Nhật Bản phần nào cũng bị giảm doanh thu. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có khả năng rút đầu tư hoặc giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc và về lâu dài sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nếu tranh chấp tiếp tục, không chỉ kinh tế thương mại 2 nước gặp khó mà còn tạo mối lo an ninh khu vực cũng như khó khăn trong việc tìm kiếm tiếng nói chung giữa Nhật - Trung trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Đỗ Cao (tổng hợp)

- Nhật Bản bắt giữ tàu cá Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục