Nhảy việc: Đừng sống theo trào lưu

Khoảng thời gian này, không ít kế hoạch cho mùa lễ hội cuối năm được nhiều bạn trẻ chia sẻ trong các hội nhóm gen Z trên mạng xã hội. Và câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng chưa bao giờ “hạ nhiệt” là khoảng nghỉ trong sự nghiệp hay nhảy việc được nhiều bạn trẻ bày tỏ quan điểm.

Nhiều tài khoản cũng đặt ra những câu hỏi như: “Liệu chúng ta có thật cần công việc này?”, “Cuộc sống là để tận hưởng hay đi làm?”, “Còn điều gì để mình thiết tha với công ty này?”…

Làm việc tự do, nhảy việc hay một khoảng nghỉ sau khi đi làm trở nên quen thuộc với nhiều người trẻ hiện đại. Kết quả khảo sát của LinkedIn (một trang mạng định hướng kinh doanh có trụ sở tại California, Mỹ) vào năm 2022, cho biết có khoảng 62% nhân viên trên toàn thế giới đã từng có một “khoảng nghỉ” trong sự nghiệp của mình. Chuyện không đi làm liên tục hay nhảy việc trở thành câu chuyện phổ biến trong giới trẻ, nhất là lớp lao động thế hệ gen Z. Nhưng, nhảy việc thực sự là một lựa chọn có kế hoạch hay chỉ là sự bốc đồng theo trào lưu mới là điều đáng quan tâm.

Thấy nhóm bạn đồng nghiệp xong dự án thì hơn một nửa rời công ty, Phan Thanh Minh Linh (24 tuổi, nhân viên truyền thông thương hiệu, ngụ quận 6, TPHCM) cũng nộp đơn xin nghỉ và ứng tuyển nơi khác.

“Đi làm riết thành quen, đồng nghiệp người nghỉ, người nhảy qua chỗ khác làm mình cũng chột dạ nộp đơn, mặc dù lương thưởng và công việc khi đó đối với tôi là tương đối ổn. Nghỉ rồi nộp đơn đi xin việc mới hiểu, đang lúc ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, tìm được công ty khác, chế độ đãi ngộ tương đương chỗ làm việc cũ không phải dễ. Nhưng một phần vì sĩ diện, nghỉ rồi không quay lại nên tôi đành chấp nhận làm ở chỗ mới”.

Khoảng nghỉ trong sự nghiệp hay nhảy việc không đơn thuần chỉ là sống theo trào lưu hay nuông chiều cảm xúc bản thân, bởi không ít bạn trẻ gen Z đủ bản lĩnh nghỉ việc/nhảy việc nhưng chưa đủ bản lĩnh để tự do tài chính.

“Vì một số bất đồng nhỏ khi làm việc nhóm mà tôi nộp đơn xin nghỉ việc để chuyển sang làm tự do. Tự mình làm chủ lấy mình rồi mới thấy cái khó khi đi tìm hợp đồng, các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế cũng phải tự mình lo liệu. Tôi có để dành một khoản tiền dự phòng đủ để chi tiêu tiết kiệm trong khoảng 1 năm, nhưng rồi cũng không trụ được lâu, tôi lại chọn ứng tuyển vào công ty mới”, Hoàng Tiến Dũng (28 tuổi, kỹ sư lập trình, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ.

Đứng trước câu hỏi “Nhảy việc hay cần khoảng nghỉ trong sự nghiệp?” là chuyện vốn dĩ rất bình thường trong hành trình trưởng thành, lập nghiệp của người trẻ. Tuy nhiên, người hiểu mình nhất không ai khác ngoài chính mình. Bạn trẻ hãy để mình có đủ trải nghiệm, đủ bản lĩnh và bình tĩnh lắng nghe câu trả lời từ chính mình, bởi lời khuyên hay kinh nghiệm của người khác cũng chỉ mang tính tham khảo.

Tin cùng chuyên mục