Nhiệm vụ trọng tâm quý 4 - 2010: Quyết liệt bình ổn giá cả hàng hóa

Ngày 6-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các bộ ngành và các tỉnh, thành phố bàn về công tác đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong nước nhằm thực hiện thắng lợi các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 6,5%.

Ngày 6-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các bộ ngành và các tỉnh, thành phố bàn về công tác đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong nước nhằm thực hiện thắng lợi các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 6,5%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, tính đến tháng 9-2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 1.146.161 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2009. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm đã tăng 6,46%, riêng CPI tháng 9-2010 tăng 1,31% so với tháng trước. 9 tháng đầu năm, kinh tế cả nước nói chung và ngành công thương nói riêng gặp nhiều khó khăn như giá xăng dầu, điện, giá nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào và nhập khẩu tăng. Lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng còn cao, các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay, tỷ giá ngoại tệ biến động. Tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, thiên tai, dịch bệnh, cháy rừng ảnh hưởng nhiều tới sản xuất nông nghiệp. Giá cả trong những tháng cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình trên, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp chỉ đạo các ban ngành, địa phương tận dụng các nguồn lực để tích cực triển khai các biện pháp, kế hoạch nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong các dịp mua sắm cao điểm. Đến nay, hầu hết các sở công thương, các cơ quan chức năng, các DN đều đã lập phương án cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2010 và các tháng đầu năm 2011, với mục tiêu nhu cầu hàng hóa thiết yếu được đáp ứng đầy đủ, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, thị trường không xảy ra hiện tượng sốt giá do thiếu hàng.

Cụ thể tại TPHCM, chương trình bình ổn thị trường năm 2010 và Tết Tân Mão năm 2011 đã được UBND TPHCM triển khai từ tháng 6-2010. Theo đó, TPHCM đã thực hiện bình ổn 8 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và giao cho 14 DN đầu mối có năng lực sản xuất kinh doanh, phân phối tham gia bình ổn, với tổng mức vốn hỗ trợ là 380,6 tỷ đồng. Trong thời gian trước trong và sau Tết Tân Mão năm 2011, hàng hóa tham gia bình ổn tăng 30% - 40% so với ngày thường. Giá bán hàng hóa của các DN tham gia chương trình thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất là 10% và được giữ xuyên suốt trong thời gian thực hiện bình ổn.

UBND TP Hà Nội cũng vừa phê duyệt “Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội” với tổng vốn 500 tỷ đồng (trong đó 100 tỷ đồng dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ khi có thiên tai và 400 tỷ đồng cho việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu, góp phần bình ổn giá đối với 9 mặt hàng). Tại các địa phương khác như TP Hải Phòng đã đề nghị UBND TP cho các DN vay 70 tỷ đồng để dự trữ 10 mặt hàng thiết yếu; TP Cần Thơ dự trữ nguồn hàng bình ổn trị giá 50 tỷ đồng… Các địa phương còn lại như Lâm Đồng, Kon Tum, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đắc Lắc… đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định hỗ trợ vốn cho các DN vay với lãi suất 0% để dự trữ hàng hóa, ổn định thị trường.

Ngoài việc tổ chức các chương trình bình ổn giá, theo kiến nghị của Bộ Tài chính, để đảm bảo được các chỉ tiêu tăng trưởng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ cần can thiệp để ổn định giá xăng dầu từ nay đến cuối năm nhằm giảm áp lực tăng giá đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự phối hợp giữa các bộ ngành và các địa phương trong việc triển khai các chương trình hành động để ổn định vĩ mô, đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng rất khả quan trong 9 tháng đầu năm 2010. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao hiệu quả từ chương trình bình ổn thị trường giá cả hàng hóa thiết yếu của UBND TPHCM đã triển khai trong gần 10 năm qua.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội trong năm 2010 (GDP dự kiến tăng 6,7%; CPI ở mức 8%), Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương cần khai thác tốt năng lực sản xuất, chủ động đề xuất các giải pháp về dự trữ nguồn hàng nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và phát triển mạnh hệ thống phân phối. Tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm… Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, gian lận thương mại. Đối với các DN, đặc biệt là các DN đang nắm giữ và chi phối thị phần từ 20% trở lên, phải thực hiện tốt hơn nữa trong việc dự trữ, cung ứng nguồn hàng bình ổn thị trường.

Theo Phó Thủ tướng, trong 3 tháng cuối năm, xu thế giá thế giới sẽ tăng, trong nước thiên tai, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Do vậy, ngay từ bây giờ các địa phương cần rà soát và cân đối nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong dịp tết sắp tới, nhất là mặt hàng heo hơi. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thịt heo, làm tăng giá đột biến.

“CPI trong 9 tháng đã tăng 6,46%, 3 tháng còn lại CPI chỉ có thể tăng thêm 1,54%. Nếu chúng ta không nỗ lực tìm mọi biện pháp để bình ổn giá hàng hóa thì sẽ rất khó đảm bảo các chỉ tiêu đề ra. Đối với kiến nghị cũng như khó khăn của các bộ ngành, Chính phủ sẽ ghi nhận và sẽ hiện thực hóa thông qua việc ban hành chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các chính sách. Bên cạnh đó, rất cần sự nhất quán trong tuyên truyền của các cơ quan truyền thông trong việc định hướng tiêu dùng, cũng như khả năng cung cầu nguồn hàng nhằm tránh tình trạng tăng giá theo hiệu ứng tâm lý” – Phó Thủ tướng kết luận.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục