
Dù có chững lại đôi chút so với hồi đầu năm, nhưng giá dầu thô có lẽ sẽ không bao giờ tụt xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng.
Tình huống này buộc những nước không có hoặc có không dồi dào “vàng đen” sẽ phải khuyến cáo dân chúng… chuyển qua đi xe đạp. Một giải pháp nữa là tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế, chẳng hạn loại nhiên liệu… có thể nuôi trồng được – mà ta hay gọi là nhiên liệu sinh học
- Mùi khoai tây rán từ ống thải khí

Máy phát điện chạy bằng bio-gas do Trường Đại học Bách khoa THCM chế tạo.
Ảnh: CAO THĂNG
Nước ta mới chập chững trên con đường hội nhập với cộng đồng thế giới về tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế xăng.
Ngoài chiết xuất mỡ cá basa thành biodiesel đã được một số cơ sở ở An Giang sản xuất với số lượng hạn chế, chỉ có một công ty tư nhân là Công ty Nguyễn Chí liên kết với Sài Gòn Petro và Nhà máy rượu Bình Tây tung ra loại hỗn hợp xăng pha cồn sinh học (gasohol) ở tỷ lệ cồn pha dưới 10% có thêm chất phụ gia để chống ăn mòn và chống tách lớp.
Dĩ nhiên đây mới chỉ là “đốm sáng” trong bầu trời đen kịt… khói xăng. Điều đáng nói là công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học cũng không quá khó – ngay từ cuối thế kỷ thứ 19, ông Rudolf Diesel, người sáng chế ra động cơ đầu tiên mang tên ông - đã chạy máy bằng dầu lạc.
PGS-TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng - trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc - cho biết có thể tự sản xuất biodiesel từ các loại dầu thực vật bằng phản ứng este hóa giữa dầu thực vật với methanol hoặc ethanol.
Sau đó pha 5%-20% vào dầu DO là “vô tư chạy máy”. Nghĩa là chỉ với một mảnh vườn nhỏ trồng cây lấy dầu như hướng dương, bắp, mía, đậu nành… là bạn dễ dàng sống qua thời khủng hoảng xăng dầu.
Một Việt kiều về nước cho biết ở nước ngoài, chuyện chạy xe bằng nhiên liệu sinh học là chuyện thường và việc “tạo ra chúng không khó.
Dầu thực vật cùng hỗn hợp methanol và kiềm khi đun nóng ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra hai hợp chất là glyserin kết tủa ở đáy – sẽ dùng cho y học và biodiesel – nổi bên trên để chạy xe. Thật sự mà nói, tôi không thấy có khác biệt lớn với chạy xăng: Xe tăng tốc tốt và không hề chạy cà giật. Chỉ có điều là khí thải… tỏa mùi khoai tây chiên”.
Theo ông ta, để chạy loại xe có động cơ diesel như loại Volkshwagen thì chỉ tốn cỡ 5 lít biodiesel là đủ chạy quãng đường 100 km.
Điều đáng nói - theo TS Hồ Sơn Lâm - đối với động cơ sử dụng dầu diesel được sản xuất từ năm 1990 trở lại đây thì có thể sử dụng nhiên liệu với 5%-20% biodiesel mà không ảnh hưởng đến động cơ cũng như không cần phải thay đổi các chi tiết máy. Còn trường hợp sử dụng 100% biodiesel thì phải thay đổi bộ phận hóa hơi của dầu.
- 20 - 30 năm nữa mới cạnh tranh được với dầu thô
Viễn cảnh một ngày nọ xe bạn ghé bất cứ cửa hàng tạp hóa nào… để nạp dầu sinh học có lẽ còn xa lắm! Đơn giản vì còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết từ công nghệ, thể loại xe… cho đến giá thành thương phẩm.
Vấn đề “đầu vào” – nguyên liệu – thật ra không thiếu, vì ngoài dầu thực vật, mọi chất thải khác khi cháy đều cho khí metan để chạy động cơ.
Ở Mỹ thậm chí người ta còn dùng cả… phân gà Tây để tạo ra biodiesel. Hiện tại, các nhà khoa học đang chạy đua sản xuất ethanol sinh học từ cồn – một loại nhiên liệu tương lai có thể cạnh tranh trực tiếp với xăng.
Như ở Brazil đã từ lâu người ta sử dụng nhiên liệu là cồn ethanol chiết xuất từ mía và bắp. Ở Malaysia, trong những năm tới sẽ xây dựng 52 nhà máy sản xuất biodiesel từ dầu cọ.
Đến cuối năm 2007, Hà Lan cũng đưa vào sử dụng một nhà máy sản xuất biodiesel liên doanh với Thụy Sĩ ở thành phố cảng Rottherdam.
Và đáng chú ý là tại Ấn Độ, các nhà khoa học đã tạo được điện năng từ các vi khuẩn trái cây và rau, chẳng hạn “pin” từ bắp cải cho dòng điện công suất tới 0,7 W, từ cà rốt – 0,6 W, từ chuối – với kỷ lục là 1,3 W.
Theo các chuyên gia, phải 20-30 năm nữa, nhiên liệu sinh học mới đủ sức đứng ngang tầm với các sản phẩm từ dầu thô trên thương trường.
Riêng với nước ta, sự tụt hậu trong lãnh vực này còn lớn hơn… Và đã đến lúc cần phải luật hóa nhiên liệu sinh học, có những biện pháp thiết thực khuyến khích các nhà đầu tư tham gia… Vì dù gì chậm còn hơn không…
BÍCH AN