Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là một trong những vấn đề được TPHCM đặc biệt quan tâm trong những năm qua. Có thể thấy rõ điều này qua các việc làm như đầu tư thành lập lực lượng PCCC tại chỗ ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, sân bay, nhà ga, bến xe; xây dựng và lắp đặt mạng lưới và trụ nước cứu hỏa, thiết bị chữa cháy tại chỗ trải đều các khu vực trong TP; đầu tư kinh phí mua xe thang cứu hỏa ở độ cao 72m; đào tạo nghiệp vụ bài bản cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp…
Tuy nhiên, những nỗ lực trên của TP vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong 3 năm 2010, 2011 và 2012, địa bàn đã xảy ra 434 vụ cháy, làm chết 18 người, bị thương 82 người, thiệt hại về tài sản khoảng 245 tỷ đồng. Các con số này đáng để các cấp ngành, chính quyền địa phương và cả lực lượng PCCC chuyên nghiệp phải suy ngẫm.
Bên cạnh những việc làm được, đầu tư hợp lý, công tác PCCC ở TPHCM vẫn còn nhiều tồn tại khách quan và chủ quan. Với số dân gần 11 triệu người, cùng với các hoạt động sản xuất, xây dựng, sinh hoạt đan xen, ở nơi đâu, lúc nào TP cũng có thể bị “bà hỏa” tấn công và gây họa. Thế nhưng, toàn TP hiện mới được lắp đặt 5.797 trụ nước chữa cháy, chỉ đáp ứng được 25% yêu cầu thực tế. Chưa kể những trụ đã lắp đặt nhưng không sử dụng được do hư ty, trộm lấy nắp, gây ảnh hưởng rất lớn cho công tác chữa cháy.
Không chỉ thiếu trụ nước, việc đầu tư xây dựng bể nước chữa cháy tại chỗ ở các cơ sở sản xuất trong khu dân cư cũng chưa được chú trọng đã dẫn đến cháy lớn, cháy lan khi có hỏa hoạn. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn phòng cháy của đơn vị chức năng còn buông lỏng hoặc chiếu lệ nên mới có trường hợp cơ sở sản xuất mới kiểm tra buổi sáng nhưng buổi chiều lại xảy ra cháy.
Đáng ngại nhất hiện nay là vấn đề quy hoạch phát triển đô thị gắn với công tác PCCC chưa được thực hiện đồng bộ, nhiều khu dân cư có nhà phố “mọc” lên dày đặc nhưng hệ thống trang thiết bị chữa cháy vẫn chưa được đầu tư. Thêm nữa, nhiều công trình có nguy cơ cháy nổ cao như chung cư, nhà tập thể cũ kỹ, xuống cấp không còn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hiện hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn giải quyết, khắc phục dẫn đến việc PCCC không hiệu quả.
Bất cập lớn nhất hiện nay là một bộ phận lớn người dân vẫn chưa nâng cao ý thức, thực hiện tốt các quy định về PCCC. Thiệt hại về con người, tài sản do cháy nổ ở TPHCM hẳn sẽ không dừng lại ở con số nêu trên, nếu ngay từ bây giờ TP không sớm có các giải pháp, kế hoạch căn cơ, cụ thể để khắc phục những bất cập.
TUẤN VŨ