Nhiều cơ hội cho ngân hàng Việt “xuất ngoại”

Nhiều cơ hội cho ngân hàng Việt “xuất ngoại”

Trong khi nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như HSBC, Standard Chartered, CitiBank hay ANZ… thành lập ngân hàng con tại Việt Nam thì nhiều ngân hàng Việt Nam cũng đang tập trung mở rộng hoạt động của mình ở nước ngoài. Ngoài các nước láng giềng như Lào, Campuchia…, châu Âu đang là thị trường được ngân hàng Việt vươn tới. Ngày 6-9 tới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) sẽ chính thức khai trương chi nhánh tại Frankfurt (Đức) - nơi được coi là trung tâm tài chính của châu Âu.

Tận dụng lợi thế cận biên

Nếu so sánh với các ngân hàng ngoại, việc mở rộng hoạt động của các ngân hàng Việt Nam ra nước ngoài có thể nói là khá muộn. Trước đây đã có một số “ông lớn” như Vietcombank, BIDV muốn mở văn phòng ở Mỹ hay châu Âu nhưng đều không thành công do nhiều yếu tố. Vài năm trở lại đây, các ngân hàng chọn con đường ngắn hơn bằng việc mở rộng hoạt động sang khu vực các nước ASEAN nhằm tận dụng lợi thế cận biên.
 
Theo đại diện các ngân hàng, tuy chậm chân nhưng nếu biết đi đúng cách, nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở cho ngân hàng Việt ở nước ngoài.
 
Tính đến nay, riêng tại thị trường Campuchia, 3 ngân hàng lớn của Việt Nam là Agribank, BIDV, Sacombank đã đặt chi nhánh tại đây. Trong đó, BIDV đặt nền móng khá vững vàng khi mua lại Ngân hàng Thịnh vượng Campuchia (PIB), tái cấu trúc và đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư Phát triển Campuchia (BIDC). Sau khi đặt chi nhánh tại Phnom Penh vào cuối tháng 7-2010, BIDC đã khai trương thêm chi nhánh mới tại thành phố Siem Reap.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, với uy tín và thương hiệu sẵn có của BIDV, BIDC nhanh chóng được thị trường tài chính - ngân hàng Campuchia biết đến và bước đầu đã thực hiện được mục tiêu đề ra là kết nối thị trường tài chính giữa hai nước, cung cấp các gói dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia.

Khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng BIDV.Ảnh: Đức Trí

Khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng BIDV.Ảnh: Đức Trí

Còn theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, việc có mặt của ngân hàng Việt trên thị trường Campuchia ở thời điểm này không phải là muộn mà thực sự đã chín muồi khi nhu cầu giao thương gia tăng. Tháng 5-2011, có thêm một ngân hàng nữa đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mở chi nhánh tại Campuchia là SHB.
 
Thị trường Lào có đặc điểm tương tự nên cũng là điểm đến của nhiều ngân hàng Việt. Cuối năm ngoái, Ngân hàng Quân đội MB đã quyết định đầu tư 12 triệu USD để mở chi nhánh tại Lào. Trước đó, các ngân hàng lớn như BIDV, Sacombank… đã mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây.Mới đây, BIDV và Sacombank tiết lộ thêm kế hoạch mở chi nhánh ở Myanmar, thị trường được đánh giá là còn nhiều tiềm năng trong hợp tác kinh tế và thương mại với Việt Nam.

Vươn tới châu Âu

Sự kiện được coi là bước ngoặt trong quá trình ngân hàng Việt “vươn ra biển lớn” là Vietinbank chính thức mở chi nhánh ở Frankfurt (thuộc Bang Hessen, Đức). Đây là ngân hàng Việt Nam đầu tiên mở rộng hoạt động tới châu Âu.

TS Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết ngân hàng này chọn Đức là điểm đến đầu tiên để mở rộng mạng lưới kinh doanh ra nước ngoài bởi đây là trung tâm kinh tế đầu tàu của châu Âu, đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nơi tập trung khá đông đồng bào Việt Nam làm việc và sinh sống. Hơn nữa, Frankfurt được khẳng định là một trung tâm tài chính và chứng khoán hàng đầu trên toàn thế giới.

Một số ngân hàng lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu, Deutsche Bank AG, Commerzbank AG… cũng đặt trụ sở tại Frankfurt. “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hữu ích cho cộng đồng người Việt tại Đức, các cá nhân và doanh nghiệp Đức cũng như các thông tin về các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam” - TS Phạm Huy Hùng chia sẻ.

Theo ước tính, hiện nay có khoảng 200.000 người Việt đang làm ăn sinh sống tại Đức. Do vậy, nhu cầu chuyển kiều hối, kết nối làm ăn kinh doanh với quê hương là rất lớn. Doanh số kiều hối chuyển qua Vietinbank cả năm 2010 từ thị trường Đức chỉ 33,3 triệu USD nhưng chỉ 6 tháng đầu năm 2011 đã đạt 20,3 triệu USD. Vietinbank cũng kỳ vọng sẽ có thể phục vụ nhiều doanh nghiệp Đức có mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết thêm, về lâu dài ngân hàng này có kế hoạch nâng cấp chi nhánh tại Frankfurt thành một ngân hàng con trực thuộc. Từ đó có thể mở thêm các chi nhánh ở các quốc gia khác tại châu Âu như Séc, Ba Lan, Anh, Pháp…

Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tuần trước, ông Michael Boddenberg, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên bang và toàn quyền của Bang Hessen (Đức) cho rằng việc Vietinbank mở chi nhánh tại Frankfurt không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình hợp tác chặt chẽ giữa Vietinbank và các cơ quan hữu quan của nước sở tại. Ông cho biết chính quyền Bang Hessen sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ tối đa để Vietinbank thành công ở Đức.
 
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc Vietinbank mở chi nhánh ở châu Âu đánh dấu một sự kiện có ý nghĩa với cả ngành ngân hàng Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển mở rộng mạng lưới tại thị trường quốc tế của Vietinbank, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho Vietinbank, cho ngành ngân hàng Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường khu vực và thế giới.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục