(SGGP).- Ngày 4-11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế về việc xử lý chất thải trong các cơ sở y tế. Theo đó, hiện vẫn còn hàng chục bệnh viện (BV) và hàng ngàn cơ sở phòng khám tư nhân chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Kết quả kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý của các BV cho thấy, đối với hệ thống BV công lập trực thuộc cơ quan trung ương và sở ngành chỉ có 9 BV có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định; 7 BV xử lý nước thải chưa đạt, cần phải nâng cấp hệ thống và 5 BV chưa có hệ thống xử lý chất thải. Còn đối với BV thuộc Sở Y tế thì 10 đơn vị đã xử lý triệt để nước thải, số còn lại vẫn đang gây ô nhiễm.
Tại các quận huyện chỉ có 14/23 BV quận huyện đã đầu tư và đi vào vận hành hệ thống xử lý nước thải. Riêng 34 BV tư nhân đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng có đến 15 BV xử lý không đạt yêu cầu vì quá tải công suất. Điều đáng nói là hiện có hơn 7.200 cơ sở, phòng khám trên địa bàn TP chưa xử lý triệt để nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Số lượng BV, phòng khám vi phạm môi trường còn nhiều, nhưng khi đại biểu Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM hỏi Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt đơn vị nào chưa thì Sở Y tế cho biết, chưa xử phạt đơn vị BV nào vi phạm môi trường. Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, chỉ thực hiện kiểm tra đối với những BV có quy mô từ 50 giường trở lên. Còn quy mô nhỏ hơn phân cấp cho quận huyện.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân nhấn mạnh, phải nhìn nhận rằng việc phân cấp trách nhiệm quản lý công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế nói chung vẫn nhập nhằng giữa quận huyện, Sở Y tế và Sở Tài nguyên - Môi trường. Điều này dẫn đến thực trạng là tình trạng vi phạm môi trường trong lĩnh vực y tế vẫn đang diễn biến rất phức tạp, thậm chí buông lỏng đối với đối tượng là phòng khám - vốn đang nở rộ như nấm
A.Vân