Nhiều địa phương có chùm ca bệnh cúm A/H1N1

Ngày 28-2, Bộ Y tế cho biết, qua báo cáo của các viện vệ sinh dịch tễ và Pasteur cả nước, từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã ghi nhận trên 159 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1 tại 19 tỉnh, thành phố. Các trường hợp mắc đa số ở thể nhẹ, không có biến chứng và hồi phục nhanh, nhưng cũng đã có 3 trường hợp tử vong tại Hà Nội, Bắc Giang và Thừa Thiên - Huế.

* Sốt phát ban do sởi Đức vào đỉnh dịch

(SGGP).- Ngày 28-2, Bộ Y tế cho biết, qua báo cáo của các viện vệ sinh dịch tễ và Pasteur cả nước, từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã ghi nhận trên 159 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1 tại 19 tỉnh, thành phố. Các trường hợp mắc đa số ở thể nhẹ, không có biến chứng và hồi phục nhanh, nhưng cũng đã có 3 trường hợp tử vong tại Hà Nội, Bắc Giang và Thừa Thiên - Huế.

Qua giám sát dịch, số trường hợp mắc cúm A/H1N1 đại dịch trong 2 tháng đầu năm nay có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2010. Đáng lo ngại hơn là đã xuất hiện các chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại một số trường học, khu dân cư trên địa bàn của 3 tỉnh: Điện Biên, Bến Tre và Thừa Thiên - Huế trong cùng thời điểm nửa cuối tháng 2.

Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, mặc dù cúm A/H1N1 trong giai đoạn này chưa ghi nhận biến đổi theo chiều hướng nặng hơn, nhưng người dân cũng không nên chủ quan bởi các bệnh cúm thông thường cũng có thể đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng sức khỏe người dân, đặc biệt là những người đang có bệnh mãn tính, người bị suy giảm sức đề kháng, người già, trẻ em và phụ nữ có thai.

* Cùng ngày, Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, miền Bắc đang vào giai đoạn đỉnh dịch của sốt phát ban do rubella (còn gọi là sởi Đức). Tính từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho trên 910 trường hợp, chủ yếu từ 20-35 tuổi. Trong đó đáng chú ý có tới 35 trường hợp phải nhập viện là phụ nữ mang thai và 8 trường hợp bị biến chứng viêm não.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày bệnh viện vẫn tiếp nhận từ 70 – 100 ca nghi nhiễm sốt phát ban do rubella tới khám mỗi ngày, vì số lượng bệnh nhân đông nên các giường bệnh điều trị phải nằm ghép 2 – 3 người/giường. Không chỉ có người lớn mà trẻ nhỏ bị sốt phát ban do rubella cũng đang gia tăng mạnh mẽ. Chỉ riêng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày phải tiếp nhận trên 150 cháu tới khám vì bệnh này.

Theo BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, nếu như những năm trước bệnh nhân sốt phát ban vào viện điều trị chủ yếu do nguyên nhân sởi người lớn và sốt xuất huyết thì ở vụ dịch năm nay, sốt phát ban chủ yếu do virus rubella gây ra.

Bệnh sốt phát ban do rubella đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai vì nếu thai phụ mắc rubella trong 3 tháng đầu thì nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi lên đến 35%-60%, trong đó ảnh hưởng nguy hiểm và thường gặp nhất là: dị dạng, tim bẩm sinh, tổn thương não của thai nhi, thai chết lưu…

Để phòng tránh nguy cơ này, các phụ nữ nên chủ động đi tiêm vaccine phòng rubella trước khi mang thai, tốt nhất là tiêm trước khi mang thai từ 3-4 tháng, nếu đã mang thai thì không tiêm phòng nữa. Trong quá trình mang thai, nếu có triệu chứng của sốt phát ban, dù ở thể nặng hay nhẹ cũng cần đến cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. 

N.QUỐC

Tin cùng chuyên mục