Nhiều doanh nghiệp cà phê vỡ nợ - Nông dân điêu đứng

Tái nghèo
Nhiều doanh nghiệp cà phê vỡ nợ - Nông dân điêu đứng

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua cà phê ở Đắc Nông liên tục vỡ nợ, khiến người dân ký gửi cà phê trắng tay. Nguy cơ họ trở thành hộ nghèo đang đến gần.

Từ ngày không đòi được nợ tại DN Trúc Huyền, gia đình chị Cao Thị Thanh Vân (bên phải ảnh) chỉ còn ăn cơm với trứng luộc.

Từ ngày không đòi được nợ tại DN Trúc Huyền, gia đình chị Cao Thị Thanh Vân (bên phải ảnh) chỉ còn ăn cơm với trứng luộc.

Tái nghèo

Khi DN Trúc Huyền (ở xã Đức Minh, huyện Đắc Min) vỡ nợ vào ngày 10-4, hàng trăm người dân trong xã ký gửi cà phê rơi vào cảnh thất bát. Trong đó, trớ trêu nhất là hoàn cảnh vợ chồng anh Nguyễn Như Trịnh và chị Cao Thị Thanh Vân (ở thôn Xuân Phong).

Khi chúng tôi tìm đến nhà, vợ chồng anh vẫn đi làm rẫy. Trong ngôi nhà đang xây cất dở, hai đứa con lớn đang nấu mì tôm ăn để đi học. Bố mẹ đi làm rẫy xa, anh cả Nguyễn Hồng Sơn (đang học lớp 4) và đứa em gái Nguyễn Thị Hạnh (học lớp 2) phải tự nấu nướng.

Trên bếp củi sau ngôi nhà, nồi cơm lớn đã được Sơn nấu chín cùng 6 quả trứng luộc để bố mẹ về ăn. Vừa bưng chiếc nồi vào nhà với khuôn mặt còn lem luốc, Sơn vừa nói: “Những ngày qua, gia đình cháu chỉ còn cơm trắng với mì tôm và mấy quả trứng để ăn tạm thôi. Nghe bố mẹ bảo tiền đã hết từ mấy ngày trước vì không đòi được nợ ở chỗ nhà cô Huyền (chủ DN Trúc Huyền - PV) nữa chú ạ”.

Chúng tôi ngồi chơi với Sơn và Hạnh gần được một tiếng, chợt nghe tiếng xe máy cày bành bạch chở anh Trịnh và chị Vân về đến nhà. Vừa bước xuống chiếc xe máy cày, chị Vân buồn rầu kể: “Hơn 6 tấn cà phê gom góp trong 3 năm qua, gia đình tôi đã đem gửi cho DN Trúc Huyền vào ngày 8-3. Bỗng nhiên, bây giờ họ vỡ nợ và không còn tiền trả gia đình tôi nữa”.

Mấy ngày liên tục, chị đến DN Trúc Huyền đòi nợ nhưng đều nhận được câu trả lời: “Chưa có tiền!”. “Ngày nào tôi cũng đến đó, nhưng chị Huyền bảo khi nào có tiền sẽ trả. Tất cả tiền bạc của gia đình đều trông vào 6,8 tấn cà phê gửi chị ấy, nếu chị ấy không trả gia đình tôi chỉ có đói”, chị Vân nức nở.

Cũng như vợ mình, anh Trịnh thở dài khi chúng tôi hỏi đến những ngày sắp tới. Bao nhiêu việc lớn nhỏ trông vào tiền cà phê. Ngôi nhà mới đang xây cất dở nếu thiếu tiền mua vật liệu sẽ không thể hoàn thành. Trong ngôi nhà đang xây dở, các thợ xây vẫn miệt mài làm việc mà không hề biết đến cơ sự anh chị đang gặp phải.

Nhìn bức tường đang xây, anh Trịnh lo lắng: “Thợ biết chuyện sẽ bỏ làm. Còn đại lý vật liệu xây dựng biết chuyện rồi, chắc sắp tới họ sẽ không cho nợ nữa. Tiền học 4 đứa con không biết lấy đâu ra? Từ nay đến mùa thu cà phê còn khoảng 8 tháng nữa”. Nếu bán hết 6,8 tấn cà phê, gia đình anh chị sẽ có hơn 200 triệu đồng. Số tiền này đủ trả tiền xây cất ngôi nhà mới và đủ sống đến mùa cà phê tới. Nhưng bây giờ, tất cả đã tiêu tan và họ trở lại thời nghèo khó như chục năm trước.

Người dân xã Thuận An tập trung đến đại lý Lan Diệu đòi nợ.

Người dân xã Thuận An tập trung đến đại lý Lan Diệu đòi nợ.

Ngậm đắng

Không riêng gì ở xã Đức Minh, những vụ vỡ nợ cà phê còn lan đến cả xã Thuận An, huyện Đắc Min. Trong những ngày qua, hàng trăm người dân xã Thuận An (huyện Đắc Min) cũng tập trung đến đại lý thu mua cà phê Lan Diệu để đòi nợ.

Khi chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Thuận An vào ngày 12-4, ông Trần Can (ở thôn Thuận Thành, xã Thuận An) cũng tìm đến đây báo tin với công an xã sẽ đến đại lý Lan Diệu lấy mấy bộ bàn ghế… trừ nợ. Đại lý Lan Diệu đang nợ gia đình ông 200 triệu đồng, trong khi ông đang nợ Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Đắc Min 150 triệu đồng đã đến kỳ trả.

“Ba ngày qua, tôi đến gặp bà Lan (bà Nguyễn Thị Lan, chủ đại lý Lan Diệu - PV) để lấy tiền trả nợ ngân hàng nhưng bà ta bảo chưa có. Nếu ngân hàng xiết nhà tôi thì chúng tôi sẽ ở đâu”, ông Can tâm sự.

Cùng đi với ông Can lên xã, ông Lộ Văn Quận (ở cùng thôn) bức xúc: “Tôi ký gửi ở chỗ bà Lan 5 tấn cà phê, hôm qua đến chốt giá để bán trả nợ vay ngân hàng 200 triệu đồng nhưng thấy trong kho không còn cà phê nữa. Hỏi bà Lan, bà ta bảo chưa có tiền trả. Nếu bà ta vỡ nợ, gia đình tôi không biết sống sao, tất cả cà phê đã gửi hết ở đây rồi”.

Ông Phạm Quốc Toàn, Trưởng Công an xã Thuận An nói: “Khi nghe tin người dân tập trung tại đại lý Lan Diệu đòi nợ, chúng tôi đã bảo họ làm đơn lên xã để giải quyết nhưng hiện chưa nhận được lá đơn nào cả. Chính tâm lý e dè của người dân khiến họ bị thiệt thòi. Họ sợ rằng khi làm đơn sẽ không còn lấy được nợ vì DN sẽ không trả cho những người tố cáo họ?”.

Vào năm 2010, khi HTX Minh An vỡ nợ, UBND xã Đức Minh cũng không nhận được đơn từ trình báo của dân. Trong khi đó, HTX này hiện còn nợ 115 hộ dân 90 tấn cà phê.

Ông Nguyễn Trọng Đình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh tâm sự khi HTX Minh An vỡ nợ, khoảng hơn 100 hộ dân trong xã bỗng nhiên trở thành hộ nghèo. Bao nhiêu cà phê họ đều ký gửi vào đây cả, nhưng không ai làm đơn kiến nghị lên xã cả. 

Ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đắc Min, cho biết hiện đại lý Lan Diệu còn nợ thuế khoảng 20 triệu đồng, DN Trúc Huyền nợ khoảng 3 tỷ đồng và HTX Minh An nợ 500 triệu đồng. Nhưng để xử lý những đơn vị này, Chi cục Thuế huyện Đắc Min không có biện pháp nào khác ngoài việc thu hóa đơn của họ để tránh việc họ mang hóa đơn đi lừa đảo.

Theo ông Nguyễn Văn Lục, các DN, đại lý thường nhận ký gửi cà phê và chịu lãi bằng 30% sản lượng. Lúc nhận giá còn thấp, nay cà phê tăng giá gần gấp đôi. Cộng các khoản này lại, mỗi năm bên nhận ký gửi mất khoảng 40 triệu đồng/tấn cà phê nhân. Khi ngân hàng tăng lãi suất quá cao, không đáo hạn cho vay làm DN, đại lý bể nợ.

Ông Nguyễn Trọng Đình cho rằng: “Lúc người dân ký gửi cà phê, các DN đã bán hết mua xe hơi, xây nhà lầu và đầu tư bất động sản. Khi giá cà phê biến động, DN không có tiền để trả và dẫn đến vỡ nợ”.

Việc giao dịch, làm ăn giữa các DN thu mua cà phê và người dân là giao dịch dân sự, vì thế khi xử lý DN rất khó. Ông Lê Quốc Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắc Min, cho biết các cơ quan chức năng rất khó xử lý những vụ vỡ nợ cà phê vì hầu hết người dân ký gửi cà phê cho DN qua sự tin tưởng lẫn nhau, không có giấy tờ hay chứng từ hợp pháp gì cả. Khi DN vỡ nợ, tài sản bị ngân hàng xiết hết và DN không còn gì để trả người dân. Cũng theo ông Lương, những vụ vỡ nợ cà phê trên địa bàn trước đây huyện đã giao công an điều tra nhưng rốt cuộc cũng không xử lý được DN về tội lừa đảo. Còn xử lý dân sự DN cũng bằng hòa vì họ không còn tiền để trả người dân. Vì thế, việc xử lý các DN cà phê vỡ nợ vẫn là bài toán khó đối với cơ quan chức năng.

Công Hoan

Tin cùng chuyên mục