Nghệ An là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở một vùng rộng lớn. Trung ương hỗ trợ cùng với địa phương tiến hành xây dựng các khu định canh định cư (ĐCĐC) giúp đồng bào các dân tộc ổn định cuộc sống, thuận lợi phát triển để tiến kịp với miền xuôi. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án ĐCĐC chưa được triển khai khiến người dân nản chí…
Hoang vắng khu ĐCĐC
Giữa tháng 4-2015, chúng tôi tìm đến khu ĐCĐC Thung Chanh (xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn), nhưng tìm mãi không thấy. Hỏi thăm mới được người dân chỉ dẫn đến một khu vực đất hoang, cây cỏ dại mọc um tùm, đôi chỗ được người dân trồng vài khoảnh mía… Nơi đây, đúng ra đã là một khu ĐCĐC cho bà con người dân tộc sở tại. Bởi, ngày 25-3-2009, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng làng ĐCĐC cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Thung Chanh. Chủ đầu tư của dự án này là UBND huyện Anh Sơn, tổng vốn đầu tư trên 12,6 tỷ đồng, với mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để đưa 53 hộ dân người dân tộc Thái đến ĐCĐC tại Thung Chanh. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua nhưng khu ĐCĐC Thung Chanh vẫn là một bãi đất hoang.
Đường vào khu ĐCĐC Thung Chanh (Anh Sơn, Nghệ An) nham nhở vì dự án dở dang.
Bà Dương Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, cho biết, vì dự án ĐCĐC Thung Chanh quá chậm nên ban đầu có 53 hộ dân đăng ký vào ở, nhưng đến nay chỉ còn có 25 hộ. Trước tình hình chậm tiến độ của dự án, tháng 2-2014, các bên liên quan là Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND huyện Anh Sơn, UBND xã Thọ Sơn đã có cuộc khảo sát và kiến nghị sẽ chuyển khu ĐCĐC ở vị trí bên kia khe Cạn của Thung Chanh về phía bên này khe và sẽ tiến hành thực hiện ngay. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua nhưng dự án này vẫn giậm chân tại chỗ. “Xã đã rất khổ tâm khi phải đi giải thích cho dân hiểu vì sao dự án quá lâu không triển khai. Người dân vùng bị ảnh hưởng đã sẵn sàng nhận tiền đền bù để trả đất làm khu ĐCĐC, nhưng nguồn vốn từ UBND huyện, xã chỉ có chức năng vận động, tuyên truyền và làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Dự án thực hiện quá chậm, người dân nản lòng vì không biết phải chờ đến bao giờ?” - bà Huệ cho biết.
Thiếu vốn
Cùng “cảnh ngộ” với khu ĐCĐC Thung Chanh là dự án ĐCĐC tại Khe Nóng tại xã Châu Khê (huyện Con Cuông). Đây là khu ĐCĐC dành cho đồng bào Đan Lai của xã Châu Khê. Dự án này được phê duyệt từ năm 2009 với tổng số vốn trên 17,1 tỷ đồng, quy mô 72,94ha. Sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng (điện, đường, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng,…) khu ĐCĐC này sẽ tập trung 50 hộ dân ở ngay bản Khe Nóng và bản Châu Khê về ở. Tuy nhiên, từ đó đến nay mới triển khai được một số hạng mục nhỏ với số vốn 4,1 tỷ đồng. Qua tìm hiểu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, chúng tôi thấy, không chỉ có 2 khu ĐCĐC Thung Chanh và Khe Nóng mà còn nhiều dự án ĐCĐC cũng chịu cảnh “đìu hiu”. Đơn cử như dự án tái định cư cho người Đan Lai tại xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông), dự án ĐCĐC Piêng Luống dành cho 50 hộ dân ở xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp), dự án ĐCĐC bản Cốc Lốc (xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn)…
Ông Sầm Văn Bửu, Trưởng phòng Định canh Định cư - Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết, tại địa bàn tỉnh này có 10 dự án ĐCĐC cho đồng bào dân tộc được trung ương hỗ trợ 50% vốn. Ban đầu, vào năm 2006, tổng số vốn của các dự án này trên 120 tỷ đồng, trong đó trung ương đã cấp đủ vốn vào năm 2010, sau đó cho kéo dài thêm (cùng với việc cấp vốn thêm). Tuy nhiên, do trượt giá nên tổng kinh phí của các dự án này đã đội lên mức 176 tỷ đồng. Nếu kể cả các dự án lồng ghép bên cạnh các dự án ĐCĐC thì tỉnh phải cần trên 100 tỷ đồng, tuy nhiên, khả năng cấp kinh phí của địa phương mới đạt 20 tỷ đồng. Năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất xin trung ương 7,4 tỷ đồng cho dự án ĐCĐC tại Thọ Sơn (Anh Sơn), nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Ông Bửu cho biết: “Nguyên nhân sâu xa khiến các dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn. Ngại nhất là khi đến vận động thì bà con phấn khởi đăng ký đi ĐCĐC, nhưng sau mấy năm không thấy triển khai nên dân thất vọng, chán nản. Có một số nơi như vùng đồng bào Mông ở Kỳ Sơn, anh em không dám quay lại vì sợ dân phản ứng”.
DUY CƯỜNG