* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của hạ tầng giao thông phía Nam hiện nay?
* Ông NGUYỄN VĂN THỂ: So với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, so với tiềm năng của khu vực phía Nam, thì hạ tầng giao thông khu vực này hiện nay rất yếu kém. Thể hiện ở những trục lộ chính, ví dụ quốc lộ 1 rất nhỏ hẹp, quá tải nghiêm trọng, lưu lượng rất lớn nhưng mặt cắt ngang rất nhỏ. Bên cạnh đó, đa số quốc lộ đều nhỏ, chủ yếu là láng nhựa nên đi lại rất khó khăn, tốn chi phí. Hệ thống đường tỉnh, huyện kết nối vào quốc lộ cũng rất yếu kém, đa số láng nhựa và cầu tải trọng nhỏ.
Ngoài đường bộ thì ở Nam bộ có thêm giao thông thủy, nhưng hiện nay cũng rất yếu kém vì trong mấy chục năm gần đây, sự quan tâm đầu tư không được tốt. Hiện nay, giao thông thủy vừa thiếu trầm trọng bến bãi lớn để cung cấp hàng hóa lên xuống; các doanh nghiệp kinh doanh đội tàu cũng rất ít, không hiện đại, nên tỷ trọng giao thông thủy ngày càng giảm so với trước đây. Nhiều công trình cầu trên đường bộ xây không theo quy hoạch, quá thấp nên cũng hạn chế lưu thông đường thủy.
* Ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao nên khó lòng trông chờ nhiều vào đầu tư của Nhà nước cho hạ tầng giao thông phía Nam. Thế thì BOT có phải có “lối thoát” hiệu quả cho giao thông khu vực này?
* Ở phía Nam có một khả năng đầu tư rất lớn mà thời gian qua chúng ta chưa khai thác hết. Thứ nhất, chúng ta có thể tập trung vào việc thay những bến phà, bến đò thành những cây cầu. Ở ĐBSCL hiện còn hàng ngàn bến đò, bến phà, vì vậy cần đưa dự án BOT cầu vào để thay cho các bến phà. Dân đi phà đóng tiền, vậy tại sao ta không kêu gọi làm cầu thay phà. Cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên hiện đang rất tốt, bà con đồng tình, ủng hộ. Chúng ta nên khai thác theo hướng này.
Thứ hai, BOT là một dạng đầu tư đặc biệt, nhưng chúng ta không nên hình thành nhiều trạm thu phí trên đường bộ. Nhiều trạm thu phí sẽ nâng chi phí vận tải. Thay vào đó nên đổi đất lấy công trình mở rộng nâng cấp đường. Có thể chúng ta thiết kế mở rộng các khu đô thị mới của các tỉnh để đổi các công trình mở rộng tỉnh lộ, quốc lộ. Như vậy thì nhà đầu tư sẽ đổi đất đô thị, sinh lời từ buôn bán nhà đất, còn chúng ta cũng được đáp ứng nhu cầu mở rộng đường sá mà không làm tăng chi phí vận tải.
Dĩ nhiên, ngoài những giải pháp trên, tôi vẫn cho rằng Nhà nước cần đầu tư ngân sách nhiều hơn, vì khu vực này còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nếu Nhà nước không ưu tiên sẽ dẫn đến tâm tư, nhất là đồng bào dân tộc.
* Với dự án Sân bay quốc tế Long Thành tới đây, ông có cho rằng cũng là một cơ hội lớn để thúc đẩy hạ tầng giao thông phía Nam?
* Sân bay Long Thành phải làm càng nhanh càng tốt, vì sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải nghiêm trọng, không chỉ trên đường băng mà cả hệ thống giao thông xung quanh sân bay. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của TPHCM, ảnh hưởng đến sự thu hút đầu tư.
Nhưng về dự án này, cá nhân tôi cho rằng với 1.200ha đất dịch vụ là hơi lớn, sợ là hình thành một khu dịch vụ lớn như thế thì khả năng sinh lời của các nhà đầu tư không cao. Chúng ta làm gì cũng phải có dân sử dụng dịch vụ. Tôi thiên về phương án rút bớt lại diện tích dịch vụ ở Long Thành, phần còn lại có thể làm ở một số khu đất quận 2, quận 7, quận Thủ Đức ở TPHCM để đổi hạ tầng cho các nhà đầu tư sân bay Long Thành.