Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn cho sự phát triển ĐBSCL. Để kích hoạt sự phát triển của cả một vùng kinh tế rộng lớn tại TPHCM và khu vực Nam bộ, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho khu vực này… Phóng viên Báo SGGP tiếp tục ghi nhận ý kiến một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bên hành lang kỳ họp Quốc hội về vấn đề này.
Một đoạn đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: CAO THĂNG
ĐB Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội: Làm hạ tầng giao thông phải có lộ trình Từ các kỳ họp trước tôi đã thường xuyên chất vấn về đường ô tô chưa đến trung tâm ở các tỉnh ĐBSCL. Đây là vựa lúa, thủy sản, rau quả lớn nhất cả nước, chiếm tỷ trọng rất lớn trong nông nghiệp nước ta nhưng hạ tầng giao thông thì quá khó khăn. Nhưng cũng phải thừa nhận là từ năm 2015 trở lại đây, đầu tư cho giao thông khu vực này đã khá hơn, ví dụ 2 huyện cuối cùng Cà Mau đã có đường ô tô về trung tâm. Nhưng so với mặt bằng chung thì đầu tư cho giao thông ở khu vực ĐBSCL còn thấp. Hiện nay, chúng tôi biết Chính phủ cũng đã quyết làm đường nối các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang. Ngoài ra, có thêm đường nối Cần Thơ - Hậu Giang, đường ven biển phía Nam kéo từ sát Campuchia đến Cà Mau… Tôi cho rằng, từng bước chúng ta đang làm, kể cả hệ thống cầu cũng đã tốt hơn. Dĩ nhiên so với yêu cầu thì bấy nhiêu đó chưa thấm vào đâu, nhưng trong bối cảnh mà ngân sách quá khó khăn, nợ công tăng cao thì cũng khó đầu tư hạ tầng một cách ào ạt, ngân sách sẽ không thể gánh nổi. Vì thế, người dân Nam bộ cũng nên chia sẻ khó khăn với Quốc hội, với Chính phủ. Chúng ta làm hạ tầng giao thông sẽ phải có lộ trình, làm từng đoạn, từng công trình. Đặc biệt, ngoài đầu tư của ngân sách, chúng ta hoàn toàn có thể làm đường BOT.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Có cao tốc Bắc - Nam sẽ thêm cơ hội để hoàn thiện hạ tầng giao thông phía Nam Đảng, Quốc hội, Nhà nước thường xuyên quan tâm đến đầu tư hạ tầng giao thông cho phía Nam. Vừa qua chúng ta đã làm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án luồng sông Hậu, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, rồi cầu Mỹ Thuận, Cổ Chiên, Rạch Miễu, đường đến đất mũi Cà Mau…
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Có cao tốc Bắc - Nam sẽ thêm cơ hội để hoàn thiện hạ tầng giao thông phía Nam Đảng, Quốc hội, Nhà nước thường xuyên quan tâm đến đầu tư hạ tầng giao thông cho phía Nam. Vừa qua chúng ta đã làm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án luồng sông Hậu, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, rồi cầu Mỹ Thuận, Cổ Chiên, Rạch Miễu, đường đến đất mũi Cà Mau…
Đặc biệt là dự án sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Nói thế để thấy chúng ta cũng đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng giao thông phía Nam. Tới đây làm cao tốc Bắc - Nam, chúng ta cũng có thêm cơ hội để hoàn thiện hạ tầng giao thông phía Nam. Nhưng có một thực tế là suất đầu tư phía Nam rất lớn, xử lý nền rất khó. Ngoài Bắc chúng ta làm nhiều đường cao tốc nhưng chủ yếu là BOT, ngân sách Nhà nước đổ vào không lớn. Vì vậy, chúng ta sẽ dần có lộ trình để ưu tiên hoàn thiện hạ tầng giao thông ở những vùng trọng điểm, trong đó có ở phía Nam.
ĐBQH Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Bà con vùng ĐBSCL thấy “tủi”
Về hạ tầng giao thông, nếu nói một từ đúng khí chất Nam bộ thì lâu rồi bà con vùng ĐBSCL thấy “tủi”. Đứng trước bước ngoặt biến đổi khí hậu và tái cơ cấu nông nghiệp, hạ tầng giao thông có vai trò hoặc là điểm nghẽn, hoặc là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, bởi nó quyết định vấn đề chi phí.
ĐBQH Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Bà con vùng ĐBSCL thấy “tủi”
Về hạ tầng giao thông, nếu nói một từ đúng khí chất Nam bộ thì lâu rồi bà con vùng ĐBSCL thấy “tủi”. Đứng trước bước ngoặt biến đổi khí hậu và tái cơ cấu nông nghiệp, hạ tầng giao thông có vai trò hoặc là điểm nghẽn, hoặc là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, bởi nó quyết định vấn đề chi phí.
Tại sao các nhà đầu tư ít đến ĐBSCL, trừ những vùng giáp ranh TPHCM như Long An? Lý do chủ yếu là do hạ tầng giao thông. Bây giờ chúng ta cần tái cơ cấu nông nghiệp, đưa vốn FDI vào thì lại càng cần phải quan tâm hạ tầng giao thông, vì đó là điểm nghẽn thực sự của ĐBSCL. Tôi không so sánh vùng miền, nhưng đặt trong bối cảnh vùng ĐBSCL chiếm 60%-80% lượng xuất khẩu trái cây, thủy sản, lúa gạo thì chúng ta thấy khó khăn của điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, không những thế còn sinh ra những vấn đề khác, kể cả về an ninh quốc phòng.
ĐBSCL có 3 vùng trũng (hạ tầng, nhân lực, giáo dục) thì vùng trũng giáo dục, nhân lực cũng một phần do hạ tầng giao thông gây nên. Vì thế, bà con vùng ĐBSCL luôn kỳ vọng, chờ đợi những cây cầu, những con đường. Những tuyến giao thông kết nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL hiện cũng rất chậm, là điểm nghẽn cho sự phát triển của vùng. Địa hình trũng, suất đầu tư cao, các nhà đầu tư ít đến mà ngân sách còn khó khăn thì chúng tôi chỉ mong chờ vào nguồn vốn ODA.