Sáng 8-8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2015, đã diễn ra phiên thảo luận, đối thoại của đại diện trẻ em 30 tỉnh, thành phố với lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, tập trung vào vấn đề quyền tham gia của trẻ em.
Phát biểu tại đây, đồng chí Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Tại phiên đối thoại với lãnh đạo các bộ, ngành, các bạn nhỏ tham dự diễn đàn đã gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành một số khuyến nghị cần được xem xét, đáp ứng và phản hồi trong thời gian tới. Cụ thể, ở gia đình, cha mẹ cần nâng cao kiến thức về quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia. Cha mẹ đặt mình vào vị trí của trẻ để trở thành người bạn thân thấu hiểu mong muốn của trẻ.
Ở nhà trường, các em mong muốn các thầy cô giáo tạo điều kiện và hỗ trợ để trẻ em có thể giao lưu, kết bạn và hòa đồng với nhau tạo mối quan hệ gần gũi hơn nữa giữa giáo viên và học sinh. Nhà trường cần tạo cơ hội để học sinh bày tỏ mong muốn, nguyện vọng về phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo; lắng nghe và phản hồi ý kiến của học sinh.
Ở cộng đồng, các em mong muốn đổi mới truyền thông về quyền trẻ em cho toàn cộng đồng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia thường xuyên hơn vào các hoạt động tại làng, xóm, khu dân cư; cải thiện hệ thống giao thông đi lại ở vùng sâu, vùng xa.
Trong xây dựng luật pháp, chính sách, các em mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để giảm tải chương trình lý thuyết, tăng cường giờ học ngoại khóa và kỹ năng sống. Tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia giám sát hoạt động của các điểm vui chơi giải trí công cộng. Các em cũng đề nghị, quy định pháp luật về quyền tham gia của trẻ em cần được thể hiện cụ thể hơn nữa.
MINH TÂM