
Vụ lúa đông-xuân 2006-2007 khởi đầu trong một tình thế có thể xem là khó khăn nhất từ trước đến nay. Trước đó, vụ hè-thu, thu-đông và lúa mùa 2006 nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã điêu đứng vì bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) do rầy nâu nhiễm bệnh lan truyền cho lúa.
Thiệt hại riêng vụ hè-thu ước tính gần 1 triệu tấn lúa, trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Trước khi gieo sạ đông-xuân 2006-2007 chính vụ (1-10 đến 15-11-2006) tình hình rầy nâu, bệnh VL-LXL bộc phát thành dịch, gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng. Diện tích lúa thu-đông phải dùng đến biện pháp tiêu hủy 2.321 ha, lúa mùa là 1.526 ha. Bước vào đông-xuân, trà lúa đông-xuân sớm đã có 9.208 ha bị bệnh VL-LXL, phải tiêu hủy 142 ha. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phải cấp xuất ngay 79 tấn thuốc BASSA 50EC dự trữ quốc gia cho các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang...

Nông dân tham quan lúa giống tại Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang.
Chính trong thời điểm gay go đó, một số cán bộ bảo vệ thực vật lại “tuyên bố”: Rầy nâu không diệt được! Lệnh tiêu hủy nếu ruộng lúa nhiễm bệnh VL-LXL đến 10% ra đời từ bối cảnh đó. Chính Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng phải thừa nhận trong cuộc họp của ngành để tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh cho lúa đông-xuân 2006-2007 tại Vĩnh Long ngày 22-3-2007 vừa qua rằng: “... Ban đầu 10% là hủy, sau xem xét lại, thấy không cần thiết (!)...”.
Nhưng đông-xuân 2006-2007 lại thắng lớn. Trên diện tích 1.502.504 ha đã gieo sạ, tin vui dồn dập đưa về. Tính đến cuối tháng 3-2007 này, tỉnh An Giang là tỉnh có diện tích lúa vào loại lớn nhất, gieo sạ đến 231.000 ha, đã thu hoạch quá nửa diện tích, năng suất bình quân trên 7 tấn/ha, hơn cả năng suất năm được mùa nhất là 6,93 tấn/ha của vụ đông-xuân 2004-2005.
Huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre, năm trước có 2.700 ha lúa mùa bị nhiễm bệnh VL-LXL, nông dân rất bi quan; nhưng đông-xuân 2006-2007 này, trong 20 ha thực hiện mô hình phòng chống dịch bệnh do Viện Bảo vệ thực vật hướng dẫn, đạt năng suất quân 7,39 tấn/ha, đó là kỷ lục chưa từng có ở Ba Tri từ trước đến nay, năng suất ruộng lúa ngoài mô hình 20 ha cũng đạt 6 tấn/ha.
52 hộ nông dân xã An Bình Tây trong mô hình đã gom tiền mổ bò ăn mừng thắng lợi vụ lúa đông-xuân 2006-2007! Xã Mỹ Phú huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, hè-thu 2006 gieo sạ 746,5 ha, có 64 ha bị nhiễm bệnh từ 30% trở lên, bị tiêu hủûy đến 5,35 ha. Một xã mà bị tiêu hủy đến hơn 5 ha lúa nên nông dân rất bi quan. Nhưng vụ đông-xuân này, cũng nhờ thực hiện mô hình của Viện Bảo vệ thực vật hướng dẫn, 78,5 ha lúa nếp - thứ mà rầy nâu ưa thích nhất - đã đạt bình quân 8,64 tấn/ha, hộ cao nhất đạt đến 9,75 tấn/ha.
Vụ đông-xuân 2006-2007, toàn ĐBSCL ước tính đạt năng suất bình quân trên 6 tấn/ha, sản lượng đạt trên 9 triệu tấn, tăng hơn 200 ngàn tấn so với đông-xuân 2005-2006. Đã nhiều năm ở ĐBSCL, vụ đông-xuân trúng mùa; nhưng vụ đông-xuân 2006-2007 được đánh giá là thắng lợi lớn, vì lúc vào vụ, nông dân đã gặp phải những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi, một số nơi nguy cơ nông dân “bỏ làng, bỏ ruộng” vì vụ hè-thu trước đó thiệt hại nặng.
Điều gì đã làm nên đông-xuân 2006-2007 trúng mùa, trúng giá (2.600 đến 2.800 đồng/kg lúa)? Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát thì đó là quyết tâm cao của cả hệ thống. Thủ tướng đã họp với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng đã trao quyền cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quyết định việc xuất thuốc bảo vệ thực vật từ Quỹ dự trữ quốc gia...
Vẫn theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, vừa qua chúng ta đã huy động được trí tuệ của toàn ngành; lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật đều xuống các địa bàn trọng điểm bị rầy nâu và bệnh VL-LXL cùng lãnh đạo địa phương theo dõi chặt tình hình và chỉ đạo phòng trừ kiên quyết, triệt để. Cục còn điều cả máy móc, phương tiện vào ĐBSCL.
Riêng Viện Bảo vệ thực vật là cơ quan nghiên cứu chiến lược của ngành, theo chỉ đạo của bộ cũng đã cử 18 cán bộ chủ chốt vào “nằm vùng” tại đồng bằng để xây dựng các mô hình phòng chống dịch bệnh cho lúa... Ở các địa phương có dịch rầy nâu đều đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban. Các tổ, đội, lực lượng xung kích ở các địa phương đã giúp các hộ nông dân khó khăn, phun xịt thuốc trừ rầy, nhổ bỏ lúa bị bệnh VL-LXL…
Chính nhờ “mặt trận toàn dân” mà đã đẩy lùi được dịch bệnh vụ đông-xuân vừa qua tại ĐBSCL. Về kỹ thuật, nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được tiến hành có hiệu quả như tăng cường hệ thống bẫy đèn ở xã xuống thôn ấp... giúp phát hiện nhanh chóng, kịp thời một số rầy di trú phát sinh, từ đó có dự tính dự báo chính xác thời điểm rầy ra rộ để tổ chức xuống giống đồng loạt né rầy, hoặc phun thuốc trừ rầy có hiệu quả.
Một biện pháp quan trọng nữa là xây dựng các mô hình phòng chống dịch, đã được các cơ quan nghiên cứu và địa phương triển khai có kết quả tốt, đang được Hội đồng Khoa học Bộ NN-PTNT đánh giá và công nhận để nhanh chóng đưa ra ứng dụng đại trà vào sản xuất…

Mô hình phòng chống bệnh vàng lùn… ở ấp 4 xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An): Lúa đạt năng suất trên 8 tấn/ha.
Bên cạnh những kinh nghiệm tốt làm nên thắng lợi của vụ đông-xuân 2006-2007, không thể không nêu lên những cảnh báo từ thực tế sản xuất lúa ở ĐBSCL thời gian qua. Đó là: Ai chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sâu bệnh vụ hè-thu, thu-đông và lúa mùa ở đồng bằng năm 2006?!
Phải chăng chiến lược IPM, không sử dụng thuốc hóa học 40 ngày đầu khi cây lúa được gieo sạ là bất biến? IPM là chiến lược “thời bình”, còn khi cây lúa bị rầy nâu mang bệnh tấn công thì phải áp dụng IPM “thời chiến”!
Người làm công tác bảo vệ thực vật ở Việt Nam không thể vì những món tiền “đô” của các dự án nước ngoài mà hoàn toàn “xơ cứng” khi áp dụng những mô hình kỹ thuật của họ và bỏ mặc những thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của hàng triệu nông dân! Khi “bí cờ” thì họ lại tham mưu cho lãnh đạo hủy lúa có bệnh là xong(!).
Khi có chỉ thị lúa mắc bệnh 10% diện tích thì phải hủy, nhiều địa phương biết là lúa đã mang bệnh nhưng “lờ” đi, không báo cáo, vì sợ “không thi hành lệnh trên”! Điều rất đáng tự hào là nhiều địa phương và nhiều cán bộ khoa học đã thấy “không cần thiết” phải hủy lúa mắc bệnh 10%, ra sức cứu chữa cho lúa và lãnh đạo bộ cũng kịp thời nhận ra để thay đổi chiến lược, vì thế mới có thắng lợi hôm nay.
Cuối cùng, một điều hết sức mới là mô hình “bốn nhà” (nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) đã tham gia tích cực vào việc phòng chống dịch cho vụ đông-xuân 2006-2007 vừa qua. Khi tình hình khẩn cấp, các doanh nghiệp tham gia nhóm “bốn nhà” đã xuất tiền, xuất thuốc... rất kịp thời vượt qua những thủ tục nhiêu khê để cứu lúa. Tình trạng thiếu máy cho thu hoạch lúa chín rộ đồng loạt hiện nay, do đã gieo sạ đồng loạt để né rầy, rất cần có sự tham gia tháo gỡ của “bốn nhà” và các dịch vụ tư nhân trong lúc chờ đợi ngân hàng nhà nước... ra tay.
Vụ đông-xuân đang kết thúc và hè-thu đã tới, diễn biến sâu bệnh có nguy cơ tiếp tục bùng phát, giá lúa tăng khiến nông dân có tâm lý tranh thủ xuống giống sớm, việc khuyến cáo lịch thời vụ đồng loạt gặp khó khăn... Vì thế, phải làm quyết liệt hơn nữa để khống chế rầy nâu, phải sử dụng mọi biện pháp thích ứng cho từng lúc, từng nơi.
LÊ PHÚ KHẢI