(SGGP).- Sau 3 ngày lãi suất trần huy động giảm xuống 9% đối với kỳ từ 1-12 tháng và giảm 1% các lãi suất chủ chốt, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt giảm lãi suất huy động xuống 9%/năm. Sau khi lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên được thả nổi, mặc dù các NHTM chưa chịu thỏa thuận với khách hàng, nhưng nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động hơn 9%/năm đối với các kỳ hạn dài.
Ghi nhận ở các NHTM tại TPHCM trong ngày đầu tiên sau khi lãi suất hạ cho thấy, biểu lãi suất tại hầu hết các NHTM đều niêm yết lãi suất huy động ngắn hạn cao hơn dài hạn. Khá nhiều ngân hàng chỉ áp dụng kỳ hạn 1-6 tháng với lãi suất 9%/năm, kỳ hạn dài hơn nữa thì giảm xuống còn 8,5%-8,75%/năm. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất dài hạn với lãi suất được nâng cao hơn 9%/năm.
Cụ thể, từ chiều 13-6, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động VND từ 10%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng lên 11,5%/năm đối với kỳ hạn 12 và 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ và 12%/năm đối với kỳ hạn 15, 18 và 24 tháng. Trước đó, từ ngày 12-6, Ngân hàng ACB cũng đã tăng lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn 12 - 36 tháng lên 10,4%-12%/năm so với mức tối đa 9%/năm trước đó; lãi suất cuối kỳ có ở kỳ hạn 36 tháng có lãi suất lên đến 12%/năm. Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), biểu lãi suất cập nhật trong ngày 12-6 cũng có mức lãi suất 11%/năm có ở kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng; cao nhất 12%/năm lĩnh lãi cuối kỳ ở các kỳ hạn 24 và 36 tháng. Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank) cũng có mức lãi suất 11,5% áp cho kỳ hạn 15 và 18 tháng. Ngân hàng Nam Á cũng trả lãi suất cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cao nhất là 11%...
Liên quan đến trần lãi suất cho vay hạ xuống 13%/năm, các NHTM cho biết DN chưa thể tiếp cận ngay với mức lãi suất này. Một vị lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank TPHCM cho biết, không chỉ khi trần lãi suất được áp xuống 13%/năm thì ngân hàng mới thực hiện mà trước đó, nhiều DN làm ăn tốt cũng đã được ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ 10%-11%/năm. Tuy nhiên, hiện nay việc hạ lãi suất không phải là để các DN dễ vay vốn, mà là hỗ trợ DN giảm chi phí đầu vào làm cơ sở giảm giá đầu ra để có thể tiêu thụ được sản phẩm. Do đó, DN có vay thêm hay không tùy thuộc nhiều vào việc DN đó có bán hàng được hay không, còn hàng tồn kho không bán được thì cho dù lãi suất thấp họ cũng không vay làm gì.
H.Nhung