Trên website của mình, Ngân hàng Nhà nước tuần qua vừa phát đi thông điệp khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan này có thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2010, Việt Nam có tổng cộng 52 ngân hàng thương mại được cấp phép hoạt động. Nếu tính cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì con số này lên tới trên 100. Đó là chưa kể đến hệ thống các công ty tài chính, quỹ tín dụng trung ương và cơ sở…
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho biết tổng tài sản của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay rất lớn, gấp đôi GDP của Việt Nam, một tỷ lệ rất cao nên chúng ta cần bài thuốc cụ thể để sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại. Tái cấu trúc là hướng tới việc sắp xếp, nâng cao khả năng quản trị điều hành của ngân hàng thương mại để đảm bảo an toàn hệ thống.
Như vậy, dự kiến ngay trong năm 2012 các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém sẽ phải giảm nhanh về số lượng và đồng thời tăng hợp lý về quy mô để tạo điều kiện cho các ngân hàng có khả năng phát triển. Bước đầu, rất nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra hồ hởi trước thông tin này vì cho rằng điều đó sẽ giúp giảm bớt việc chạy đua cạnh tranh lãi suất huy động của các ngân hàng nhỏ, yếu kém và thiếu vốn. Nhờ vậy lãi suất của các ngân hàng sẽ thấp hơn, ổn định và có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.
A.K.