Nhiều ngân hàng tăng cường khuyến mãi

Chứng khoán “xanh” sau những ngày u ám

Ngày thứ 2 áp dụng mức lãi suất trần 21%, thêm nhiều ngân hàng bắt đầu rục rịch tăng lãi suất huy động tiết kiệm.

Ngày 12-6, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) tuyên bố tăng lãi suất huy động cao nhất lên 17,5%/năm.

Một số ngân hàng khác đã tăng lãi suất thì “bồi” thêm một số hoạt động khuyến mãi. Chẳng hạn, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) sau khi đã tăng lãi suất ngày hôm trước lên đến 17,3%/năm đã tiếp tục triển khai chương trình “Siêu may mắn” dành cho khách hàng gởi 10 triệu đồng trở lên sẽ được tham gia trúng trưởng trị giá đến 1 tỷ đồng (tổng trị giá giải thưởng trên 2,7 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có chương trình “Lãi suất cao nhất” áp dụng cho kỳ hạn từ 1-9 tháng lên đến 17,7%/năm…

Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) mới vừa công bố tăng nhẹ lãi suất vào ngày đầu tiên, ngay hôm sau đã công bố lãi suất mới tăng đến 17,52%/năm. Ngoài ra, từ nay đến ngày 19-7, khi khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền 20.000.000 đồng hoặc 1.000 USD cho kỳ hạn từ 2-6 tháng, và 10.000.000 đồng hoặc 500 USD cho kỳ hạn từ 7-13 tháng tại hệ thống Sacombank sẽ được tham gia chương trình khuyến mại “Sacombank - Cơn lốc quà tặng” với giải thưởng đặc biệt là xe hơi BMW trị giá 1,4 tỷ đồng cùng hàng trăm giải thưởng có giá trị khác trị giá tổng cộng 3 tỷ đồng.

Tính đến hôm nay, vẫn chưa có ngân hàng nào có lãi suất mới cao hơn lãi suất mà Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đã công bố trước đó là 19,2%/năm. Nguyên nhân các ngân hàng không tăng lãi suất cạnh tranh mà tập trung khuyến mãi là nhằm “cột” khách hàng vào cam kết không rút tiền trước thời hạn.

Nhiều ngân hàng vẫn niêm yết mức lãi suất cũ. Vì vậy, rất nhiều khách hàng đã lỡ “chôn vốn” vào những ngân hàng chưa công bố tăng lãi suất đang thấp thỏm lo lắng. Nếu các ngân hàng này không tăng lãi suất thì có thể sẽ có cuộc dịch chuyển tiền gởi giữa các ngân hàng.

H.Ni

Chứng khoán “xanh” sau những ngày u ám

Phiên giao dịch ngày 12-6, thị trường chứng khoán đã bừng sáng trở lại khi ở sàn TPHCM, các mã “xanh” chiếm ưu thế với 91 mã tăng giá, chỉ 56 mã giảm giá và 7 mã đứng giá. Kết quả, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,1 điểm, thị trường vẫn đứng ở mức 370 điểm nhưng đây là một dấu hiệu đáng mừng sau hơn 1 tháng liên tục giảm giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,6 triệu đơn vị, trị giá 240 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết là giao dịch khớp lệnh (đạt 6,8 triệu đơn vị, trị giá 182 tỷ đồng). Nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh mua vào, mua đến 1,6 triệu đơn vị (trị giá 66 tỷ đồng), bán ra 1,1 triệu đơn vị (trị giá 41 tỷ đồng).

Sàn Hà Nội cũng “xanh” trở lại với 100 mã tăng giá, chỉ 26 mã giảm giá, 3 mã đứng giá và 10 mã không có giao dịch. Chỉ số HASTC-Index tăng 0,9 điểm, đạt 109 điểm. Khối lượng giao dịch tăng mạnh, đến 21,3 triệu đơn vị, trị giá 1.650 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng giao dịch trái phiếu là 18 triệu đơn vị (1.588 tỷ đồng) và giao dịch cổ phiếu là 3,3 triệu đơn vị (62 tỷ đồng).

Tin cùng chuyên mục