Nhiều nhà khoa học đạt giải Giải Nobel đến Việt Nam dự hội thảo quốc tế “Khoa học để phát triển”

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tổ chức Khoa học và Giáo dục - Gặp gỡ Việt Nam, hội thảo quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển” sẽ diễn ra tại Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định trong 2 ngày 9 và 10-5.
 Các nhà khoa học tham dự hội nghị Khoa học cơ bản và xã hội trao đổi tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thang 7 -2016
Các nhà khoa học tham dự hội nghị Khoa học cơ bản và xã hội trao đổi tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thang 7 -2016

Hội thảo được Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định, Viện nghiên cứu phát triển Pháp chi nhánh tại Việt Nam tổ chức với mục đích đối thoại khoa học cao cấp giữa Việt Nam, Cộng hoà Pháp và thế giới.

Đây là một trong những hội thảo quan trọng nhất để kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 năm 2018 trong chuỗi 11 hội thảo khoa học và 7 lớp học chuyên đề. Sự kiện quan trọng này được đông đảo nhà khoa học Việt Nam chờ đón.

Hội thảo lần này được tổ chức tiếp nối thành công của hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và Xã hội” cũng được tổ chức tại Trung tâm ICISE vào tháng 7-2016 trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12. Hội thảo năm 2016 đã nhận được sự bảo trợ tối cao của Tổng thống Cộng hoà Pháp và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cũng như nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu, Tổ chức Văn hoá và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), Viện Solvay (thuộc Tập đoàn Solvay, Vương quốc Bỉ) và sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách, đại diện của các tổ chức quốc tế, các tổ chức của chính phủ, phi chính phủ cũng như năm nhà khoa học đoạt giải Nobel.
Theo đại diện Tổ chức Khoa học và Giáo dục - Gặp gỡ Việt Nam, hội thảo năm 2018 sẽ đi xa hơn và đề cập đến vai trò của khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng cho sự phát triển bền vững của xã hội. Mặc dù khoa học hiện hữu và được biết đến trong xã hội nhưng có vẻ như các nhà khoa học thường không tham gia sớm vào các cuộc thảo luận giải quyết các vấn đề lớn của xã hội cũng như trong việc xây dựng các chính sách có liên quan.
Để giải quyết vấn đề này, cần thiết lập các cầu nối giữa các chính khách, nhà khoa học, nhà ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp độ. Do vậy, hội thảo "Khoa học để Phát triển" sẽ thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các viễn cảnh tương lai của nó dưới góc nhìn của giới khoa học, công nghệ và đổi mới. Trong khuôn khổ hội thảo, các cuộc thảo luận bàn tròn sẽ đề cập đến các tác động kinh tế và xã hội của khoa học đối với xã hội, sự đóng góp của khoa học với việc hoạch định chính sách cũng như và sự liên quan của khoa học với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Với các hội thảo bàn tròn, các nhà khoa học, chính trị gia, các nhà kinh tế, doanh nhân, đại diện của các tổ chức quốc tế và đại diện của các tổ chức xã hội sẽ thảo luận về chủ đề: tác động xã hội và kinh tế của khoa học đối với xã hội; khoa học và việc hoạch định chính sách; khoa học và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; các mô hình khoa học và phát triển; khoa học là một công cụ để đối thoại, có thể giúp tạo ra các điều kiện cho đối thoại đa văn hóa, và hoà bình; khoa học và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, đáng chú ý ở chủ đề khoa học và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau làm rõ về những thuận lợi và khó khăn sắp tới, đặc biệt đối với thị trường lao động về cuộc cách mạng này: Liệu cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần vào sự phát triển hay nó sẽ làm tăng khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển? Những thay đổi xã hội có thể xảy ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì: thay đổi thị trường lao động; làm nổi cộm vấn đề đạo đức? Tác động đến tương lai của con người: liệu khoa học có thể giúp tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững thực sự và hạn chế một số tác động tiêu cực có thể có của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?  Tương lai nào sẽ hình thành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho nhân loại? Liệu Khoa học có thể giúp định hình tương lai đó?

Bên cạnh đó chủ đề “khoa học giúp đưa ra các cảnh báo và các giải pháp khả thi” cũng sẽ được các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, đại diện của các chính phủ thảo luận sâu: các vấn đề môi trường quan trọng và hậu quả về sức khoẻ: tầng ôzôn và sự bảo vệ của nó, sự nóng lên toàn cầu, đa dạng sinh học. Sự khan hiếm năng lượng và các năng lượng có thể tái tạo. Các thoả thuận quốc tế về vấn đề môi trường. Liệu các các cảnh báo của các nhà khoa học đã được lắng nghe đầy đủ?

Trong số các diễn giả, đáng chú ý có nhà khoa học Peter Agre, Giải Nobel Hoá học năm 2003; David Gross, Giải Nobel Vật lý năm 2004; Gerard 't Hoof, Giải Nobel Vật lý năm 1999; Finn Kydland, Giải Nobel Kinh tế năm 2004; Kurt Wüthrich, Giải Nobel Hoá học năm2002; Amina Mohammed, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc; Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới, IPU, Genève, Thụy Sỹ; Ahmet Üzümcü, Tổng Giám đốcTổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW), The Hague, Hà Lan..

Tin cùng chuyên mục