Trắng tay vì làm liều
Anh Nguyễn Thanh Bình (ở phường Thới An, quận 12, TPHCM) từng kiếm được khá nhiều tiền từ việc mua bán BĐS. Tuy nhiên, chỉ vì nhận định sai về thị trường, anh đã thua trắng, lại còn gánh nợ hơn 2 tỷ đồng.
Anh Bình chia sẻ: “Năm 2006, bạn bè rủ nhau đi mua đất ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) do giá đất ở đây đang tăng vùn vụt. Tôi chi 3 tỷ đồng tiền vốn và vay ngân hàng thêm 4,5 tỷ đồng nữa để mua miếng đất lớn, hy vọng để một thời gian ngắn bán lại sẽ lời to. Thời điểm đó, giá đất Nhơn Trạch lên tới khoảng 6 - 8 triệu đồng/m2. Thế nhưng, một thời gian sau thị trường lâm vào cảnh đóng băng, giao dịch trầm lắng. Nợ ngân hàng đến hạn phải trả, tôi đành kêu bán miếng đất đã đầu tư nhưng chẳng ai đoái hoài. Tới đầu năm 2008 mới bán được nhưng chỉ giá 3,8 triệu đồng/m2, lỗ hơn một nửa so với giá mua vào”.
Cũng lao vào con đường làm giàu bằng cách đầu tư BĐS, chị Như Quỳnh (ở quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng đã lao đao khi gom hết tiền để đầu tư đất khu vực Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Chị kể: “Năm 2013, có tin đồn Chính phủ sắp cho người Việt vào chơi casino tại khu du lịch ở Hồ Tràm, chắc chắn lượng khách đến mua đất và chơi bài sẽ tăng gấp nhiều lần, tôi quyết định đánh lớn. Khi ấy, giá đất ở đó chỉ khoảng 400.000 đồng/m2. Tôi đã gom hết tiền trong nhà và vay thêm người thân để mua 2.500m2 đất xây nhà nghỉ. Nhưng kế hoạch đầu tư đón sóng đã thất bại vì chỉ là thông tin đoán mò”.
Rất nhiều người cũng lâm vào tình cảnh tương tự vì không đủ khả năng thẩm định thị trường, rải tiền ở một số dự án nhưng lại không tìm hiểu kỹ càng về mặt pháp lý của bất kỳ dự án nào, cuối cùng mất sạch vốn, ôm thêm một khoản nợ.
Cẩn trọng khi xuống tiền
Hiện nay có rất nhiều người ôm mộng đi làm giàu từ đất đai nhưng không nắm được cơ chế pháp lý của dự án, không hiểu rõ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, do đó phải đối mặt với nhiều rủi ro, có thể phải trả giá rất đắt. Lời khuyên của các chuyên gia BĐS là khi đầu tư vào BĐS phải định hình rõ là sản phẩm ấy có dùng được không, có bán được không. Nếu không lường trước được điều này, sẽ dễ bị chôn vốn, dòng tiền đứng một chỗ hoặc thậm chí mất luôn. Cần phải thẩm định pháp lý từ quy hoạch, nắm được cơ chế hoạt động của dự án, phân tích được mức thanh khoản của dự án đó trên thị trường.
Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng (Đoàn Luật sư TPHCM) tư vấn: “Rủi ro trong kinh doanh BĐS thường đến từ sự chủ quan của người đầu tư. Ở nước ta, người đầu tư BĐS thường sai lầm ở chỗ là đầu tư vào dự án rồi mới bắt đầu tìm hiểu vấn đề pháp lý. Như vậy khi xảy ra sự cố thì mọi chuyện đã rồi và không có cách gì tháo gỡ. Thực tế, trên thị trường BĐS có chừng 300.000 người môi giới nhưng chỉ khoảng 10% trong số đó có chứng chỉ hành nghề. Có nghĩa là một lượng rất lớn người môi giới không được đào tạo căn bản, nên rủi ro trong đầu tư BĐS còn khá lớn. Do vậy, khi mới bắt đầu tham gia đầu tư BĐS thì phải lựa chọn cho mình một môi giới đáng tin cậy, thông qua tìm hiểu từ người đầu tư khác đã làm việc với môi giới đó. Người đầu tư BĐS phải trang bị cho mình các kiến thức về pháp lý, về thị trường và nhất là cần phải tỉnh táo trước khi xuống tiền”.
Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh nhận định: “Thị trường BĐS có 3 trạng thái là đi lên, đi ngang và đi xuống. Những người mua đất theo cách đầu cơ lướt sóng thường chỉ nghĩ đến kịch bản giá đất sẽ tăng, mà bỏ qua 2 kịch bản còn lại. Khi tham gia vào thị trường với sự “hồn nhiên” như vậy thì khả năng thua lỗ là rất cao. Nếu vừa xuống tiền mua đất vào thời điểm giá tăng cao, vừa sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều, trong khi hạ tầng dự án lại chưa phát triển tới nơi tới chốn, thì việc thua lỗ là chắc chắn”.