Nhiều thanh niên xung phong còn chịu thiệt thòi

Đứng bên lề chính sách
Nhiều thanh niên xung phong còn chịu thiệt thòi

Báo SGGP vừa đăng tải loạt bài Chuyện ở biên giới Tây Nam (từ 28 đến 30-3) viết về Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập. Gần 40 năm trôi qua, sau những tháng ngày cống hiến tất cả sức trẻ tại chiến trường biên giới Tây Nam, nhiều người đã rời khỏi TNXP, trở về cuộc sống đời thường với những cuộc mưu sinh khác nhau. Tuy vậy, đến nay nhiều người trong số họ vẫn còn “đứng bên lề chính sách” cho dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn…

Đứng bên lề chính sách

“Ở phường 7 chỉ có một trường hợp của chú nên không biết giải quyết như thế nào!”. Anh Trịnh Văn Sáu (nguyên Liên đội phó Liên đội 303, Tổng đội 3 biên giới) cười khổ, kể về câu trả lời của vị cán bộ phường nơi anh cư trú.

Năm 2012, anh nộp hồ sơ xin được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Ban Chỉ huy Quân sự phường 7 (quận 5), nơi anh đăng ký hộ khẩu thường trú, làm thất lạc hồ sơ của anh nhưng không báo lại. Đến năm 2015, chờ quá lâu, anh lên phường hỏi thì mới biết hồ sơ bị mất. Anh phải lên Lực lượng TNXP TPHCM xin lại giấy xác nhận, nộp lại hồ sơ cho nhân viên phụ trách LĐ-TBXH của UBND phường 7 nhưng đến giờ vẫn im hơi lặng tiếng. Một cựu TNXP khác than rằng anh cũng chờ mỏi mòn hơn 4 năm kể từ khi làm hồ sơ hưởng chính sách theo Quyết định 62/2011, phường kêu tới kêu lui bổ sung hồ sơ 4 lần mà vẫn chưa thấy gì.

“Anh em mình hy sinh so với bộ đội thì không có nghĩa lý gì, nên chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều. Chỉ mong chính quyền địa phương quan tâm giải quyết để chúng tôi sớm được hưởng những chính sách dành cho mình”, anh Trịnh Văn Sáu nói.

Ngày 9-11-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng như anh Sáu. Theo đó, TNXP tập trung sau ngày 30-4-1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng sẽ được hưởng tiền trợ cấp một lần tính theo thời gian thực tế trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Mức trợ cấp là 2,5 triệu đồng nếu có từ đủ 2 năm trực tiếp tham gia trở xuống, từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng. Ngoài ra, nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì họ sẽ được hưởng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều cựu TNXP thuộc diện này đến nay vẫn chưa “chạm” được chính sách mà họ xứng đáng được hưởng…

Không được phép lãng quên

Những năm gần đây, Lực lượng TNXP, Hội cựu TNXP TPHCM và Hội cựu TNXP các quận, huyện đều có những hoạt động thiết thực chăm lo cho các gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, cựu TNXP nghèo, cô đơn trong các dịp lễ, tết. Đó là chương trình chống dột cho những căn nhà cho cựu TNXP là những sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế nghĩa tình. Đó còn là hàng trăm hài cốt liệt sĩ được khảo sát, quy tập để bàn giao về địa phương hoặc về nghĩa trang Đồi 82 Tân Biên (Tây Ninh)...

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM và các đại biểu thả hoa đăng tại Khu tưởng niệm Liệt sĩ TNXP
(Ảnh: VIỆT DŨNG)

Riêng trong năm 2015, Hội cựu TNXP TPHCM tham mưu cho các cơ quan chức năng giải quyết chế độ, chính sách cho 23 cựu TNXP theo Quyết định số 40/2011 quy định về một số chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến; 147 cựu TNXP theo Quyết định số 62/2011.

Về phần mình, đồng chí Trần Phú Lữ, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TPHCM, cho biết lực lượng đang tiếp tục xác định điều kiện, hoàn cảnh các gia đình cựu TNXP, liệt sĩ TNXP khó khăn để tính toán thêm các hình thức chăm lo khác như xây dựng nhà tình thương, sửa chữa nhà, hỗ trợ giải quyết việc làm cho con em cựu cán bộ TNXP. Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ TNXP (tên gọi trước đây là Quỹ Nghĩa tình đồng đội) vận động các nguồn lực để hỗ trợ việc tìm kiếm hài cốt; chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu TNXP, kể cả cán bộ, đội viên TNXP có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, đồng chí Trần Phú Lữ vẫn trăn trở một điều: TNXP không chỉ hy sinh trên chiến trường mà còn cả trong quá trình lao động sản xuất, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chính sách chăm lo cho gia đình các tử sĩ TNXP (những người đã mất trong quá trình lao động sản xuất do bom mìn, không được công nhận là liệt sĩ). Theo anh, sự hy sinh nào cũng đều quý giá, cũng là do nhiệm vụ, cũng vun đắp cho thành quả của TNXP TPHCM trong quá trình xây dựng và phát triển, đều vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hy vọng về lâu dài, công tác chăm lo cho gia đình chính sách sẽ được quan tâm hơn, mở rộng đối tượng được chăm lo.

Không có lý do gì, sau 36 năm hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về mà nhiều cựu TNXP vẫn đứng bên lề những chính sách mà họ xứng đáng được hưởng. Con số vài trăm TNXP được chính sách hỗ trợ một lần ấy sẽ không là gì so với với con số hàng ngàn TNXP hừng hực khí thế từ nông trường ra biên giới với suy nghĩ “đi đến nơi nào Tổ quốc cần” hồi ấy. Và trách nhiệm của chúng ta là không được phép lãng quên họ, thờ ơ đối với họ dù bất cứ lý do gì.

Sống ở một gia đình có hai thế hệ đều là TNXP, anh Hồ Xuân Minh (công tác tại Đội Trật tự du lịch thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP), không hối hận theo nghiệp TNXP, dù cuộc sống của anh vẫn còn khó khăn. Ba mẹ anh - những cựu TNXP thời kỳ đầu - hiện đang sống trong một căn nhà cấp 4 ở huyện Bình Chánh. Lấy vợ xong, Minh khăn gói về nhà vợ bởi nhà anh chật chội quá. Minh bảo, anh cảm thấy tự hào khi ba mẹ anh gia nhập TNXP từ ngày đầu thành lập cho đến khi nghỉ hưu.

“Từ nhỏ, tôi được ba mẹ giáo dục cho truyền thống của TNXP, nhiều lần tôi được tham gia họp mặt truyền thống của lực lượng. Vì vậy tinh thần của TNXP đã ngấm vào máu của tôi từ nhỏ. Tiếp nối truyền thống gia đình, tôi chọn gia nhập Lực lượng TNXP TPHCM. Thu nhập của tôi nói thật không đủ để lo cha mẹ, nhất là bây giờ tôi đã có gia đình. Anh em đồng nghiệp mình cũng vậy, kêu ca làm gì. Tôi chỉ biết, còn yêu TNXP, còn thương cha mẹ thì còn gắn bó”, Minh nói.

ÁI CHÂN - TÂN VĂN

Tin cùng chuyên mục